Cước tàu đi Úc tăng đột biến mùa cuối năm

Cước tàu đi Úc tăng đột biến mùa cuối năm

Cước tàu đi Úc tăng đột biến mùa cuối năm

Ngày đăng: 02/04/2018

(TBKTSG) - Các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu hàng đi Úc đang gặp nhiều khó khăn do cước phí tàu biển tăng gấp ba vào những tháng cuối năm. Điều này khiến doanh nghiệp Việt Nam thua thiệt và mất lợi thế cạnh tranh.

 

Cước tăng gấp ba

 

Đã hai tháng nay, Công ty Bao bì Mai Thư khổ sở vì cước phí tàu biển xuất khẩu hàng đi Úc tăng đột biến, xuất hàng đi ngay giá cước cao thì không chịu nổi mà chậm giao hàng thì mất khách. Bà Lý Mai Hanh, Giám đốc kinh doanh quốc tế của Công ty Bao bì Mai Thư, cho biết trước đây cước tàu biển đi Úc chỉ gần 500 đô la Mỹ/container thì hai tháng gần đây cước đã tăng lên từ 1.300-1.500 đô la/container mà không có tàu để chở hàng đi. Qua tìm hiểu của bà Hanh từ các đối tác cùng xuất hàng đi Úc ở các nước trong khu vực Đông Nam Á thì chỉ riêng Việt Nam bị các hãng tàu tăng cước khá cao trong khi các quốc gia lân cận ảnh hưởng không nhiều.

Khi giá cước tăng, doanh nghiệp của bà buộc phải thương lượng với đối tác để họ chia sẻ một nửa cước phí. Mặc dù một số đối tác đã đồng ý cùng gánh chi phí này với doanh nghiệp nhưng theo dự báo của bà Hanh giải pháp này cũng chỉ giữ được khách hàng trong thời gian ngắn. “Doanh nghiệp tôi xuất hàng đi Úc đã nhiều năm nhưng chưa bao giờ gặp tình trạng này. Nếu bây giờ hủy đơn hàng để chờ qua năm sau giá cước xuống mới bán thì mất khách, mà xuất hàng đi với cước phí chênh lệch đến 1.000 đô la/container như hiện nay lại không chịu nổi. Giá cước quá cao, tháng này chúng tôi buộc phải tạm dừng xuất khẩu 30 container và tạm hoãn hàng loạt đơn hàng khác”, bà Hanh than phiền.

Trước tình trạng cước phí tàu biển đi Úc tăng đột biến, trao đổi với TBKTSG, nhân viên của một công ty logistics tại TPHCM cũng xác nhận có hiện tượng cước phí tăng cao tuyến Việt Nam đi Úc. Nguyên nhân cước tăng là do lượng cầu trong thời gian gần đây tăng đột biến, trong khi lượng tàu cung cấp hàng đi Úc từ trước tới nay không nhiều đã dẫn đến tình trạng thiếu cung và giá tăng.

Vị này cho hay, hiện tại hàng hóa xuất khẩu sang Úc bằng đường biển không có tàu đi thẳng từ TPHCM mà phải trung chuyển qua Singapore hoặc Malaysia, sau đó hàng trung chuyển phải chờ từ hai tới ba tuần mới được đưa lên tàu đi Úc. “Vào dịp cuối năm giá cước tàu từ các nước Đông Nam Á đi Úc đều tăng, tuy nhiên năm nay giá cước tăng cao đột biến, thậm chí nhiều hãng tàu không nhận hàng từ Việt Nam đi Úc trong tháng 12. Khi hết đợt cao điểm vào đầu năm sau giá cước sẽ giảm trở lại”, đại diện công ty logistics cho biết.

Vẫn theo đại diện của công ty logistics nói trên, hiện nay, giá cước tàu biển đi Úc tăng là do các hãng tàu nước ngoài đưa ra vào dịp cao điểm chứ không phải phía vận chuyển Việt Nam đưa ra.

Doanh nghiệp Việt thua thiệt

Việc các hãng tàu biển tăng cước phí cao khiến nhiều doanh nghiệp xuất khẩu bức xúc, nhất là trong bối cảnh thị trường xuất khẩu khó khăn như hiện nay. Bà Mai Hanh kể lại câu chuyện, trước đây khi xuất khẩu hàng đi Úc giá cước từ Việt Nam và Trung Quốc đều ngang nhau với mức gần 500 đô la/container, song nhờ giá cả hàng hóa cạnh tranh hơn nên đối tác Úc chọn doanh nghiệp Việt Nam. Giờ đây, cước phí vận chuyển từ Trung Quốc đi Úc vẫn giữ ở mức gần 500 đô la Mỹ/container mà vận chuyển từ Việt Nam tăng lên 1.500 đô la/container thì sản phẩm của doanh nghiệp Việt không thể cạnh tranh.

Thống kê của Cục Hàng hải Việt Nam cho thấy, hiện nay có khoảng 40 hãng tàu biển nước ngoài đang hoạt động kinh doanh tại Việt Nam và đảm nhận khoảng 88% hàng hóa xuất nhập khẩu từ Việt Nam đi quốc tế. Hiện tại, nhiều doanh nghiệp Việt thường sử dụng hình thức mua CIF (mua tại cảng đến), bán FOB (bán tại cảng đi) nên thương quyền thuê tàu và đàm phán hợp đồng vận chuyển chủ yếu phụ thuộc vào đối tác nước ngoài.

Đa số các hãng tàu nước ngoài thường ở “cửa trên”, họ áp đặt nhiều loại phí và phụ thu mà không thông báo cho doanh nghiệp biết trước một thời gian để chuẩn bị. Vì thế, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu trong nước thường ở thế bị động trong việc tính toán cước phí giao nhận hàng hóa.

Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB), tại Diễn đàn logistics Việt Nam 2017 diễn ra hồi trung tuần tháng 12, Việt Nam nằm trong số các quốc gia có cước phí vận tải đắt so với khu vực và thế giới. “Chi phí vận chuyển logistics tính theo tỷ trọng GDP khoảng 18-20%, gần gấp đôi so với các nền kinh tế phát triển và cao hơn 4% mức bình quân toàn cầu”, báo cáo của WB chỉ rõ.

Trong những năm gần đây, giá cước tàu biển ở Việt Nam thường cao hơn so với các nước trong khu vực như Thái Lan, Philippines, Singapore... từ 10-15%/container nên đang làm giảm lợi thế cạnh tranh của Việt Nam so với các nước trong khu vực. Thực tế cho thấy, khi chi phí vận chuyển tăng đồng nghĩa với cơ hội cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam cũng giảm đi rất nhiều.

Theo vị đại diện của công ty logistics tại TPHCM, hiện nay chưa có giải pháp nào để chấm dứt tình trạng tăng cước phí tàu biển đi Úc vì hiện nay các doanh nghiệp phụ thuộc phần lớn vào hãng tàu nước ngoài. Kể cả ở cấp nhà nước cũng khó có giải pháp nào can thiệp được vì đây là cung cầu của thị trường.