Logistics Doanh nghiệp Việt mãi yếu thế

Logistics Doanh nghiệp Việt mãi yếu thế

Logistics Doanh nghiệp Việt mãi yếu thế

Ngày đăng: 05/04/2017

Thị trường logistics Việt Nam mở cửa hoàn toàn từ đầu năm 2014. Nhiều tập đoàn logistics quốc tế đã tăng cường đầu tư, chiếm thêm thị phần. Vậy nhưng, các doanh nghiệp (DN) logistics Việt vẫn "bình chân" và yếu thế.

 


Hình ảnh có liên quan


Logistics ngoại- phát triển mạnh

 

Việt Nam đã và đang trở thành địa chỉ rất hấp dẫn đối với các công ty logistics hàng đầu thế giới. Ví dụ điển hình: DHL Supply Chain (thuộc Tập đoàn Deutsche Post DHL) hoạt động tại Việt Nam từ năm 2001, mới đây đã đầu tư thêm gần 13 triệu USD để mở rộng và vận hành trung tâm thứ hai tại tỉnh Bắc Ninh, tăng diện tích kho bãi từ 91.000m2 lên hơn 141.000m2. Nhằm vào những ngành hàng được dự báo sẽ tiếp tục phát triển như bán lẻ, hàng tiêu dùng, công nghệ và ôtô tại thị trường Việt Nam, DHL Supply Chain có tham vọng tăng trưởng tới 45%/năm.

 

 Kerry Intergrated Logistics (Hồng Kông) đã mở rộng hoạt động tại Việt Nam bằng cách nắm phần lớn cổ phần của Công ty chuyển phát nhanh Tín Thành Express, trở thành liên doanh mới có tên Kerry TTC Express, kết hợp mạng lưới vận chuyển hàng hóa quốc tế của Kerry Logistics với năng lực và hệ thống kết nối nội địa của TTC Express đang hoạt động tại 60 tỉnh, thành phố của Việt Nam, kinh doanh những dịch vụ gồm: Chuyển phát nhanh, thư tín, LTL, FTL, vận chuyển đường bộ và quốc tế. Các trung tâm phân loại đặt tại Hà Nội, Sài Gòn và Đà Nẵng giúp cho việc giao nhận bằng đường không và đường bộ luôn thông suốt.

 

 Không chỉ có DHL Sypply Chain, Kerry Logistics, Maersk Logistics, nhiều hãng logistics lớn trên thế giới đã có mặt tại Việt Nam như: APL Logistics, NYK Logistics, MOL Logistics, Schenker, Hapag Lloyd... có nguồn tài chính mạnh, nhân lực chuyên nghiệp đã chiếm lĩnh tới 75% thị trường, đang ngày càng mở rộng hoạt động.

 

Logistics nội - loay hoay với thị phần nhỏ

 

Theo thống kê từ Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics (VLA), dù có số lượng DN nội đang hoạt động cao gấp nhiều lần DN logistics ngoại, hiện tại tất cả các dịch vụ logistics của DN Việt Nam vẫn mới chỉ đáp ứng được 25% nhu cầu của thị trường bởi một số nguyên nhân chính:

 

Những công ty logistics nước ngoài đầu tư tại Việt Nam thường xuất phát từ những tập đoàn quốc tế lớn, đa ngành nghề, có bề dày kinh nghiệm, chuyên nghiệp với hệ thống mạng lưới đã được mở rộng khắp thế giới. Sức hút sử dụng dịch vụ của họ đối với các DN sản xuất, xuất nhập khẩu cao gấp nhiều lần so với những dịch vụ đơn lẻ từ những DN logistics non trẻ Việt Nam.

 

 Cùng với đó, các DN FDI thường có xu hướng lựa chọn các DN logistics đến từ chính các nước của họ vì mạng lưới sẵn có, ngôn ngữ giao dịch thuận lợi. Rõ ràng, với “tinh thần dân tộc đậm đà” như vậy, các DN logistics Việt Nam (kể cả đủ năng lực) cũng có rất ít cơ hội tiếp cận khách hàng nước ngoài.

 

Ngoài những lý do khách quan nêu trên, sự chậm phát triển của các DN logistics Việt Nam cũng xuất phát từ rất nhiều nguyên nhân nội tại. Theo số liệu điều tra của Viện Nghiên cứu kinh tế và phát triển (Đại học Kinh tế quốc dân) về hoạt động logistics, có tới 69,28% ý kiến cho rằng các DN Việt thiếu sự liên kết hợp tác; 54,7% ý kiến cho rằng thiếu đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp (hiện tại 80,26% lao động trong các DN logistics Việt chỉ được đào tạo qua công việc), thiếu trình độ vận hành, quản lý công việc thông qua các ứng dụng công nghệ thông tin. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng logistics không được đầu tư bài bản, không tạo được sự tin tưởng với khách hàng về mạng lưới hoạt động và giá cả... 

 

Dù có số lượng DN nội đang hoạt động cao gấp nhiều lần DN logistics nước ngoài, hiện tại, tất cả các dịch vụ logistics của DN Việt Nam vẫn mới chỉ đáp ứng được 25% nhu cầu của thị trường.