Phát triển hệ thống logistics vùng Đồng bằng sông Cửu Long – Bài 1: Thiếu trung tâm vùng

Phát triển hệ thống logistics vùng Đồng bằng sông Cửu Long – Bài 1: Thiếu trung tâm vùng

Phát triển hệ thống logistics vùng Đồng bằng sông Cửu Long – Bài 1: Thiếu trung tâm vùng

Ngày đăng: 19/09/2017

BNEWS.VN Đồng bằng sông Cửu Long lại là vùng có các chỉ số sản xuất kinh doanh đang kém hiệu quả so với cả nước.

Là vùng đất giàu tiềm năng phát triển kinh tế, đặc biệt là kinh tế nông nghiệp nhưng Đồng bằng sông Cửu Long lại là vùng có các chỉ số sản xuất kinh doanh đang kém hiệu quả so với cả nước; đặc biệt là trong khâu dự trữ, bảo quản, vận chuyển và tiêu thụ hàng hóa. Một trong những nguyên nhân do vùng chưa có chuỗi cung ứng dịch vụ logistics hoàn chỉnh.
Chưa có trung tâm logistics vùng
Đã qua 2 năm kể từ khi Quyết định 1012/QĐ-TTg ngày 3/7/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển hệ thống trung tâm logistics trên địa bàn cả nước đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, nhưng vùng Đồng bằng sông Cửu Long vẫn chưa có trung tâm logistics được công nhận.

 

Đồng bằng sông Cửu Long vẫn chưa có trung tâm logistics được công nhận. Ảnh minh họa: TTXVN


Bởi theo Quyết định này, tiểu vùng kinh tế trung tâm Đồng bằng sông Cửu Long sẽ có một Trung tâm logistics hạng II với quy mô tối thiểu 30 ha đến năm 2020 và trên 70 ha đến năm 2030; phạm vi hoạt động chủ yếu gồm các tỉnh và thành phố Cần Thơ, Trà Vinh, Hậu Giang, Vĩnh Long, Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng và An Giang.

Từ đó kết nối các cảng cạn, cảng sông (Cần Thơ, Mỹ Thới), cảng hàng không, nhà ga, bến xe, các khu công nghiệp, các cửa khẩu (thuộc các tỉnh Kiên Giang, An Giang). Nhưng đến nay tất cả vẫn trên giấy tờ.

Trong khi quy mô của các trung tâm logistics hiện có khu vực này khá nhỏ, dưới 10ha và chủ yếu phục vụ một số doanh nghiệp trong khu công nghiệp hoặc một tỉnh, thành phố.

Hệ thống này chưa phát triển đến quy mô phục vụ cho một ngành hoặc một vùng kinh tế. Dịch vụ cung cấp của các trung tâm logistics tại Đồng bằng sông Cửu Long còn hạn chế; tính liên kết, kết nối trong hoạt động logistics yếu.

Cùng với đó, các công ty kinh doanh dịch vụ logistics trọn gói hầu như chưa phát triển đáng kể. Phần lớn các dịch vụ logistics liên quan đến sản xuất, thương mại và cung cấp dịch vụ…được thực hiện một cách tự phát theo truyền thống. Hình thức thuê ngoài cũng chỉ dừng lại ở từng lĩnh vực hoạt động riêng lẻ chứ chưa có sự kết nối chặt chẽ với nhau giữa các phương thức vận tải, giữa vận tải với kho bãi, giữa vận tải kho bãi. Nên thủ tục giao nhận tại khu vực này thường gây ra chậm trễ, phát sinh chi phí cao và đặc biệt là phiền hà cho khách hàng.

Ông Phạm Anh Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần tư vấn thiết kế cảng-kỹ thuật biển, vùng Đồng bằng sông Cửu Long thừa nhận: Hiện vùng Đồng bằng sông Cửu Long đang thiếu hẳn các trung tâm logisics tập trung và hệ thống trung tâm vệ tinh.

Từ đó đã làm cho mạng lưới liên kết vùng thiếu kết nối, chưa tận dụng thế mạnh về mạng lưới giao thông thủy nội địa nên lượng hàng hóa qua các cảng của vùng hàng năm rất thấp, chỉ khoảng 20%.

Lý giải nguyên do này ông Phạm Anh Tuấn cho biết, sở dĩ vẫn tồn tại tình trạng này bởi hệ thống cảng còn phân tán, quy mô nhỏ lẻ, năng lực thấp, ít cảng container chuyên dùng, chưa phát huy được lợi thế về giao thông đường thủy nội địa. Cùng đó, việc vận hành và kết nối thiếu đồng bộ, chưa hiệu quả giữa các phương thức vận tải trong nội vùng Đồng bằng sông Cửu Long và giữa vùng với thị trường xuất khẩu.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hồ Thị Thu Hòa, Trưởng Bộ môn quản trị Logistics và vận tải đa phương thức, Trường đại học Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh, khoảng 70% hàng hóa xuất khẩu của vùng Đồng bằng sông Cửu Long đang phải tiếp chuyển đến các cảng khu vực miền Đông Nam Bộ bằng đường bộ để xuất khẩu.

Trong khi đó, năng suất vận chuyển của vùng nhìn chung còn kém, chủ yếu bằng xe tải. Một số nghiên cứu gần đây cho thấy 1/3 chuyến xe sau khi giao hàng thì quay về xe không, đây là sự lãng phí rất lớn. Các công ty làm dịch vụ vận chuyển này thường có đội xe phục vụ chuyên chở hàng hóa. Họ có thể có một vài xe hoặc vài chục xe các loại như xe tải thùng, xe container.

Hơn nữa, xe tải chủ yếu là của các hợp tác xã vận tải và thường dùng vận chuyển hàng nội địa các cự ly ngắn và vừa. Do vậy, những lô hàng xuất nhập khẩu nhỏ không đủ đóng container, hoặc những lô hàng lớn tập kết cho tàu hàng rời. Ngoài ra, xe đầu kéo chở container chuyên dụng thường dùng để chở hàng hóa xuất nhập khẩu nên dù đã có một bộ phận lớn chủ hàng tự đầu tư đội xe vận tải nhưng chưa thể phát huy hết sức mạnh.

Thiếu nhân lực
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hồ Thị Thu Hòa, Trưởng Bộ môn quản trị Logistics và vận tải đa phương thức, Trường đại học Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã chỉ ra thực tế rằng: Hiện nay các doanh nghiệp logistics đang cung cấp dịch vụ cho khu vực Đồng bằng sông Cửu Long chủ yếu đến từ Thành phố Hồ Chí Minh nên nguồn nhân lực chủ yếu được tuyển dụng và làm việc tại đây.

 


Cảng khô logistics IDC Sóng Thần – Bình Dương. Ảnh: Dương Chí Tưởng-TTXVN


Tuy nhiên, với việc thành lập trung tâm logistics ngay tại Đồng bằng sông Cửu Long thì yêu cầu cần có nguồn tuyển dụng ngay tại địa phương sẽ trở nên vô cùng cấp bách.

Hiện tại, trong hơn 14 trường Đại học của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long bao gồm cả công lập và tư thục, chưa có trường nào đào tạo về chuyên ngành logistics ở bậc đại học chính quy và cao đẳng nghề.

Vì thế, khả năng đáp ứng nhu cầu về nguồn nhân lực logistics từ hoạt động đào tạo tại địa phương là một thách thức lớn đối với các doanh nghiệp logistics trong khu vực.

Theo giáo sư Võ Tòng Xuân, trước mắt khu vực Tây Nam Bộ cần điều tra rộng rãi nhu cầu nhân lực từng lĩnh vực chuyên sâu của ngành logistics dựa trên sơ đồ tổng thể ngành logistics.

Một số trường có điều kiện đầu tư có thể tiếp xúc với các trường bạn đang có chương trình đào tạo logistics; hoặc tiếp xúc các chuyên gia ngành, nhất là người đã được đào tạo ở nước ngoài, để thiết kế chương trình và tổ chức các lớp đào tạo ngắn hạn.

Về lâu dài, khu vực Tây Nam Bộ cần gửi đi đào tạo, hoặc chiêu mộ chuyên gia tốt nghiệp ngành logistics ở các đại học nước ngoài về.

Song song đó là xây dựng chương trình đào tạo ngành logistics dựa trên các chương trình tiên tiến quốc tế có chọn lọc phù hợp với điều kiện ngành hàng, cơ sở hạ tầng giao thông vận tải, công nghệ thông tin, luật lệ thuế quan, thương mại trong nước…/.

(Còn tiếp)

Phạm Duy Khương/TTXVN