THỦ TỤC NHẬP KHẨU PHỤ TÙNG Ô TÔ - XE TẢI, XE CON...

THỦ TỤC NHẬP KHẨU PHỤ TÙNG Ô TÔ - XE TẢI, XE CON...

THỦ TỤC NHẬP KHẨU PHỤ TÙNG Ô TÔ - XE TẢI, XE CON...

Ngày đăng: 18/03/2019

Làm thủ tục nhập khẩu phụ tùng ô tô gồm những bước nào, đâu là những nội dung mà hải quan hay để ý và chất vấn kỹ, thuế suất nhập khẩu bao nhiêu phần trăm…? Đó là những câu hỏi mà bạn sẽ thắc mắc khi nhập khẩu các loại linh kiện xe hơi. Tôi sẽ chia sẻ kinh nghiệm làm trực tiếp trong bài viết này. Hy vọng sẽ hữu ích cho bạn.

Để bắt đầu tôi sẽ nêu về khái niệm để chúng ta cùng có cách hiểu tương đối giống nhau…

Phụ tùng xe hơi là gì? Gồm những loại nào?
Phụ tùng ô tô là tất cả các bộ phận cấu thành lên chiếc xe, được sản xuất riêng lẻ, để có thể thay thế khi hỏng hóc. Phụ tùng ô tô bao gồm tất cả những bộ phận vốn có của một chiếc xe như: xilanh, piston, séc măng, trục khuỷu, xupap…


Một chiếc ô tô gồm rất rất nhiều bộ phận, có thể tới hàng nghìn chi tiết. Trong đó sẽ có những phần thiết yếu (khung, gầm, động cơ), những phần phụ trợ (lốp, đèn, phanh), và cả những bộ phận đi kèm phục vụ sự thoải mái hay nhu cầu vui chơi giải trí…

Khi bộ phận nào đó bị thiếu hoặc hư hỏng, bạn cần bổ sung thay thế. Do khả năng sản xuất trong nước trong lĩnh vực xe hơi khá hạn chế, nên đa số các xưởng sửa chữa, cung ứng đều nhập khẩu trực tiếp hay gián tiếp từ nước ngoài. Và đó là lý do cần phải làm thủ tục để đưa những bộ phận này vào Việt Nam.

Thủ tục nhập khẩu phụ tùng ô tô
Về cơ bản thì thủ tục nhập khẩu phụ tùng xe hơi thông thường không có gì đặc biệt. Cụ thể, dòng hàng này không bị cấm & không bị hạn chế nhập khẩu, và cũng không phải xin giấy phép nhập khẩu của bộ ban ngành nào.

Tuy nhiên tôi muốn lưu ý: Một số phụ tùng đã qua sử dụng như: máy, khung, săm, lốp, phụ tùng, động cơ của ô tô, máy kéo và xe gắn máy không được phép nhập khẩu. Đó là quy định trong Nghị định 187/2013/NĐ-CP. Vì thế, nếu bạn định nhập mặt hàng phụ tùng cũ, thì cần tra cứu và tìm hiểu để đảm bảo chắc chắn không thuộc loại hàng bị cấm nhập.

Hồ sơ hải quan gồm những chứng từ:

Tờ khai hải quan từ phần mềm
Hóa đơn thương mại: 1 bản chụp
Chứng nhận xuất xứ (nếu có), để hưởng thuế ưu đãi đặc biệt: 1 bản gốc
Vận đơn: 1 bản chụp

Mã HS phụ tùng ô tô
Do chủng loại đa dạng, các mặt hàng phụ kiện xe hơi nằm trong nhiều chương, nhóm của Biểu thuế xuất nhập khẩu. Bạn có thể bắt đầu tra cứu trong nhóm phù hợp ở Chương 87, phổ biến như:

  • 8706 - Khung gầm đã lắp động cơ
  • 8707 - Thân xe
  • 8708 - Bộ phận và phụ kiện xe có động cơ

Trong các nhóm này có nhiều loại phụ tùng của chủng loại xe khác nhau như: xe kéo, xe tải (chở hàng), xe chở người (trên hoặc dưới 10 chỗ), xe mô tô... Bạn cần áp chuẩn mã HS Code để biết thuế suất chính xác cho sản phẩm mà mình định nhập khẩu. Nếu chưa làm quen, thì bạn cần tìm hiểu thêm về cách áp mã HS.

Dưới đây là mã HS cho một số chủng loại phụ tùng phổ biến thuộc các chương khác (ngoài chương 87) mà bên tôi hay làm cho khách hàng. Bạn có thể tham khảo, nhưng cần tra cứu lại cho chính xác với loại hàng cụ thể mà bạn đang làm nhé.

  • Động cơ xe: 8407; 8408
  • Bộ phận của động cơ (thân máy, xilanh, supap, quy lát, chế hòa khí): 8409
  • Đèn các loại (đèn pha, đèn hậu): 8512
  • Bơm nước, quạt gió, máy nén khí: 8413; 8414
  • Trục khuỷu, bánh răng: 8483

Một vài lưu ý khi làm thủ tục nhập khẩu phụ tùng ô tô

  • Do thuế suất nhập khẩu khác nhau khá nhiều giữa các dòng xe tải, xe con… cán bộ hải quan sẽ “soi” rất kỹ về thông tin phụ tùng của bạn dùng cụ thể cho loại xe nào. Bạn cũng cần khai rõ thông tin này trong phần mô tả hàng hóa trên tờ khai hải quan. Nếu có nghi ngờ, hải quan sẽ chất vấn, và nếu nhà nhập khẩu không trả lời và giải thích thỏa đáng, rất có thể hải quan sẽ báo cáo lãnh đạo và cho đi kiểm tra thực tế hàng hóa (kiểm hóa). Mục đích là để kiểm chứng xem có đúng loại phụ kiện mà bạn khai báo trên chứng từ hay không: đúng chủng loại, số lượng, quy cách, nhãn mác… Nếu đúng, thì cũng không có gì đáng ngại, nhưng nếu bạn khai sai thì rất dễ bị xử phạt.
  • Hàng phụ tùng này thường nhập nhiều hạng mục trong 1 container. Nếu bạn có Chứng nhận xuất xứ ưu đãi đặc biệt, chẳng hạn như CO Form E cho hàng từ Trung Quốc, nên để ý: một số mục hàng không được ưu đãi theo Form E, hoặc có thuế suất cao hơn mức thông thường, và vì thế vẫn sử dụng mã thuế nhập khẩu là B01.
  • Bạn nên đọc Thông tư số 41/2018/TT-BGTVT quy định danh mục sản phẩm hàng hóa có khả năng gây mất an toàn thuộc trách nhiệm quản lý Nhà nước của Bộ Giao thông vận tải. Theo đó, tại Phụ lục II có nêu rõ những sản phẩm phụ tùng ô tô phải làm Công bố hợp quy sau khi thông quan, và trước khi đưa ra thị trường. Ví dụ: khung xe, vành, ắc quy, lốp, động cơ… Tất nhiên không áp dụng khi làm thủ tục hải quan, nhưng rất cần thiết cho khâu sau thông quan.

Tựu chung lại, làm thủ tục nhập khẩu phụ tùng ô tô không quá phức tạp, nhưng cần cụ thể và chính xác về chi tiết hàng hóa, mã HS, và kéo theo thuế suất nhập khẩu. Bạn để ý cẩn thận là có thể làm được, và làm tốt. Nếu bạn muốn tìm đơn vị có kinh nghiệm làm thủ tục cho mặt hàng này, thì hãy liên hệ ngay với chúng tôi thông qua Website:  http://hungalogistics.com .