Thị trường vận tải biển: 90% "miếng bánh" đang nằm trong tay DN nước ngoài

Thị trường vận tải biển: 90% "miếng bánh" đang nằm trong tay DN nước ngoài

Thị trường vận tải biển: 90% "miếng bánh" đang nằm trong tay DN nước ngoài

Ngày đăng: 12/09/2017

Các hãng tàu lớn của nước ngoài hiện nay thâu tóm đến 90% thị trường vận tải biển Việt Nam, số còn lại là các hãng tàu Việt Nam.

 Thị trường vận tải biển: 90% "miếng bánh" đang nằm trong tay DN nước ngoài

Tại Hội nghị “Nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua kết nối doanh nghiệp xuất nhập khẩu và Hiệp hội Chủ hàng Việt Nam”, ông Trần Đức Minh - Chủ tịch Hiệp hội Chủ hàng Việt Nam cho biết, ở Việt Nam hiện nay vận tải đường biển đang chịu nhiều bất hợp lý, trong đó bất cập đầu tiên là cước phí.

Các hãng tàu lớn của nước ngoài hiện nay thâu tóm đến 90% thị trường vận tải biển Việt Nam, số còn lại là các hãng tàu Việt Nam. Hiện nay, 1/3 giá cước đi Châu Âu đều tăng khiến cho các doanh nghiệp Việt Nam gặp khó.

Cũng theo ông Trần Đức Minh, trong khi giá xăng dầu thế giới liên tục giảm sâu thì giá cước vận tải biển vẫn không giảm, ngoài cước phí thì các khoản phụ phí như phí chờ kho đợi chủ hàng đến nhận, phí container, phí bốc xếp hàng hóa, phí tránh bão cho thủy thủ đoàn... liên tục tăng.

"Một doanh nghiệp xuất khẩu cá tra ở Cần Thơ cho biết cước hàng vận chuyển thủy sản bằng tàu biển tăng 30%, doanh nghiệp xuất khẩu tăng 200 container/tháng khiến giá cước tăng thêm 4 tỷ đồng/tháng, ngoài ra còn rất nhiều phụ phí. Tính như vậy một con cá tra bị tăng thêm 700-1.000 đồng/tiền cước và sang đến Mỹ sẽ tăng giá” - ông Minh dẫn chứng.

Hiện nay, tại Việt Nam có khoảng 30 doanh nghiệp tàu biển nước ngoài hoạt động. Tình trạng các công ty tàu biển nước ngoài khống chế thị trường vận tải biển đã diễn ra trong thời gian dài, trong khi đó tiếng nói của doanh nghiệp Việt Nam là không đủ.

“Việt Nam không kiểm soát được cước phí, phụ phí nên doanh nghiệp Việt Nam ở thế bị động. Chúng ta không cạnh tranh được với công ty nước ngoài. Đó là thực tế khiến nhiều doanh nghiệp phải trăn trở” – ông Minh nêu quan điểm.

Trong khi đó, bà Đặng Phương Dung - Đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, đa số các chủ hàng Việt Nam là những doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Theo bà Dung, Việt Nam đạt kim ngạch xuất khẩu 162 tỷ đô năm 2015 nhưng trong đó 70% là doanh nghiệp FDI và chỉ có 30% là DN Việt Nam.

Doanh nghiệp Việt Nam đang phải vật lộn với hàng loạt vấn đề làm thế nào để đủ sức cạnh tranh trong hội nhập. Doanh nghiệp sản xuất đang tìm thị trường tiêu thụ, tăng quản lý giảm giá thành, tăng chất lượng, vấn đề cước vận tải, giao nhận.

“Lâu nay các chủ doanh nghiệp chưa thực sự chú ý đến cước vận tải chỉ khi vấn đề cước phí, phụ phí tăng lên chóng mặt, bất hợp lý chồng chéo các doanh nghiệp ngỡ ngàng mới có tiếng kêu phản ánh” – bà Dung chia sẻ.

Theo các doanh nghiệp, trong câu chuyện đấu tranh về phí cần tăng vai trò và tiếng nói chủ hàng, hội nhập sâu, chậm một ngày là doanh nghiệp thiệt thòi lớn. Nhưng đồng thời phải theo luật thị trường, cuộc chơi của thị trường, bên vận chuyển là các hãng tàu, doanh nghiệp logistic và bên chủ hàng cùng làm việc.

Chính vì vậy, bà Dung nhấn mạnh, các DN cần có sự nhận thức đúng đắn hơn, cần biết các loại phụ phí, cước phí nằm ở những khâu nào; cần nhận thức rõ đây không chỉ là công việc từ phía Chính phủ mà là vấn đề mà các DN cần giải quyết.

“DN cần liên kết chặt chẽ hơn, cần có người đại diện cho tiếng nói của DN mới có thể giải quyết vấn đề một cách cơ bản. Để làm được điều đó thì Hiệp hội cần có sự cải thiện, phải chuyển tải được vấn đề của DN và các DN cũng cần tự nâng cao nhận thức của mình” – bà Dung nhấn mạnh.

Nguyệt Quế

Theo Trí thức trẻ