Tìm giải pháp phát triển logistics khu vực Đồng bằng sông Cửu Long

Tìm giải pháp phát triển logistics khu vực Đồng bằng sông Cửu Long

Tìm giải pháp phát triển logistics khu vực Đồng bằng sông Cửu Long

Ngày đăng: 27/12/2017

Mới đây, tại TP Cao Lãnh, Bộ Giao thông vận tải phối hợp với UBND tỉnh Đồng Tháp tổ chức Hội nghị phát triển logistics trong lĩnh vực giao thông vận tải khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể tin tưởng rằng, trong những năm tới đây, Đồng bằng sông Cửu Long sẽ là một trong những khu vực phát triển mạnh mẽ, phát huy được tất cả lợi thế của vùng, đồng thời góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.
Hội nghị lần này tập trung vào 6 nội dung. Cụ thể, bao gồm nhóm giải pháp về kết cấu hạ tầng kết nối: Khả năng đáp ứng nhu cầu của các phương thức vận tải đường biển, đường bộ, đường thủy nội địa và đường hàng không đối với hệ thống kết cấu hạ tầng hiện có; nếu chưa đáp ứng đủ thì việc đầu tư như thế nào để phù hợp.

Nhóm giải pháp phát triển dịch vụ vận tải: Cần tập trung vào phương thức vận tải nào cho phù hợp với tiềm năng của Vùng; vấn đề kết nối các phương thức vận tải phải đối mặt với những thách thức gì; cần giải quyết những vấn đề trọng tâm nào để có thể cải thiện được dịch vụ vận tải đường biển, đường bộ, đường thủy nội địa và đường hàng không.

Nhóm giải pháp phát triển các trung tâm phân phối hàng hóa, dịch vụ logistics: Hình thành các Trung tâm Logistics lớn (tại các tỉnh, thành phố như: Cần Thơ, Hậu Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp và An Giang) nhằm tạo hạ tầng quan trọng để phát triển dịch vụ logistics, góp phần đáp ứng nhu cầu trong tương lai của khu vực nói chung (bao gồm các nước lân cận như: Thái Lan, Campuchia) và của đồng bằng sông Cửu Long nói riêng.

Nhóm giải pháp nâng cao năng lực doanh nghiệp kinh doanh vận tải, giao nhận, dịch vụ logistics: Đẩy mạnh việc phát triển các đầu mối vận tải phục vụ dịch logistics và tăng cường kết nối các phương thức vận tải.

Nhóm giải pháp phát triển nguồn nhân lực: Quá trình triển khai Chính sách đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ như thế nào để đảm bảo phát triển nguồn nhân lực tại chỗ, đáp ứng được nhu cầu của khu vực.

Nhóm giải pháp về các cơ chế chính sách, thủ tục hành chính đối với hoạt động của dịch vụ logistics: Trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương trong việc giảm thiểu thủ tục hành chính để khuyến khích, nâng cao tính chủ động của doanh nghiệp.

 

Vận chuyển hàng hóa tại Tân Cảng - Cái Cui TP Cần Thơ

Chia sẻ tại hội nghị, ông Richard Courey - Chủ tịch kiêm TGĐ Tập đoàn Vision Transportation Group (Canada) nhận định bình thường mọi người thường hiểu giao thông là di chuyển nhưng thực ra chúng ta đang nói vấn đề quan trọng hơn đó là hạ tầng giao thông về dịch vụ và hàng hóa.

Hiện nay, chi phí giao thông và chi phí vận chuyển ở Việt Nam lên đến 25% trong khi các nước phát triển chỉ chiếm 7 - 15%. Như vậy, chi phí vận chuyển của Việt Nam cao gấp đôi so với các nước khác. Và đó cũng chính là vấn đề chúng ta cần phát triển hạ tầng, phát triển logistics. Nếu muốn phát triển hợp lí thì phải tìm ra nhu cầu thực sự của chính địa phương đó.

Lấy trường hợp điển hình về tỉnh Đồng Tháp, ông Richard Courey cho rằng hiện nay tỉnh đã đạt được những thành tựu trong lĩnh vực kinh tế nông nghiệp. Đồng Tháp có nông dân cần cù, có hệ thống chính quyền quản trị tốt và những điểm tốt để phát triển. Vậy đâu là những điểm còn thiếu?

Giải pháp ở đây chính là sự thấu hiểu thật sự nhu cầu người dân, nhu cầu của tỉnh về việc làm thế nào để phát triển hạ tầng tỉnh Đồng Tháp. Do đó, đây không phải là bài toán xây dựng thông thường mà là bài toán mang tính chất xương sống của tỉnh.

Theo ông Richard Courey, khi phát triển hạ tầng hay phát triển giao thông là cũng thúc đẩy phát triển nông nghiệp. Song, nông nghiệp bây giờ không chỉ khai thác tài nguyên thiên nhiên mà còn là một nền nông nghiệp organic, nông nghiệp hữu cơ để giữ gìn và phát triển sự sống.

“Tôi phải tự hào nói rằng 62 năm cuộc đời, tôi đi nhiều quốc gia và tôi tìm thấy ở Việt Nam có những điều cần thiết có thể làm được. Đó là chúng ta có những người dân cần cù, những người lãnh đạo có tầm nhìn, có định hướng và đó là những nền tảng giúp triển khai tốt công việc.

Trong thời gian sắp tới, tôi sẵn lòng đồng hành, tay trong tay với UBND tỉnh, với các Sở, ban ngành để chúng ta tìm ra giải pháp logistics, một giải pháp hạ tầng tốt nhất cho tỉnh để phát triển kinh tế, phát triển đời sống người dân”, ông Richard Courey cho biết.

Ông Nguyễn Ngọc Dương - Phó TGĐ Công ty Cổ Phần Bất động sản Sunny World cho biết với kinh nghiệm nhiều năm phát triển các dự án bất động sản cao cấp tại TP HCM như Times Squares, Windsor Plaza, Sherwood Suites,.. và hiện đang triển khai siêu dự án Saigon Peninsula, công ty mong muốn tiếp tục đóng góp vào sự phát triển chung của Việt Nam nói chung và TP.HCM, Đồng Tháp, các tỉnh miền Tây nói riêng.

Các loại dự án Sunny World có thế mạnh và mong muốn được đóng góp cho tỉnh Đồng Tháp như bán lẻ, khách sạn căn hộ dịch vụ, khu phức hợp, khu đô thị, resort và khu công nghiệp.

Theo Duy Khánh/Người đồng hành