Cải cách hải quan - trợ lực cho doanh nghiệp logistics vươn xa

Cải cách hải quan - trợ lực cho doanh nghiệp logistics vươn xa

Cải cách hải quan - trợ lực cho doanh nghiệp logistics vươn xa

Ngày đăng: 29/02/2024

Trong những năm qua, ngành Hải quan đã có nhiều hoạt động đồng hành cùng doanh nghiệp logistics, góp phần quan trọng giúp thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu nhanh chóng, các doanh nghiệp logistics đẩy nhanh được tốc độ vận chuyển, giao hàng, qua đó nâng cao được uy tín với khách hàng, thúc đẩy cạnh tranh hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam ra thế giới.

Cơ quan hải quan luôn nhận thức về vai trò và trách nhiệm trong việc phát triển logistics. Ảnh: Tiến Vũ

Liên tục cải cách, hiện đại hóa

Logistics có vai trò quan trọng đối với toàn bộ quá trình từ sản xuất, xuất nhập khẩu, lưu thông phân phối đến tiêu dùng, tạo ra giá trị gia tăng, đóng góp ngày càng lớn đối với phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đặc biệt trong công cuộc công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước và chủ động, tích cực hội nhập kinh tế quốc tế. Bên cạnh đó, Việt Nam có nhiều tiềm năng và lợi thế trong phát triển dịch vụ logistics, nằm ở vị trí chiến lược trong khu vực phát triển năng động của thế giới, có nền kinh tế đang trên đà phát triển, hội nhập quốc tế sâu rộng, là thị trường có sức tiêu thụ lớn, thương mại điện tử có xu hướng phát triển mạnh, có lợi thế về vị trí địa lý thuận lợi cho vận tải quốc tế,…

Việt Nam thuộc Top 5 ASEAN về Chỉ số hiệu quả logistics

Theo báo cáo mới nhất của WB công bố, Chỉ số hiệu quả Logistics, Việt Nam xếp thứ 43, nằm trong nhóm 5 nước ASEAN xếp hạng cao nhất. Tốc độ tăng trưởng thị trường logistics của Việt Nam bình quân hàng năm đạt 14 - 16%. Trước đó, trong lần công bố xếp hạng gần nhất vào năm 2018, Việt Nam đã có bước nhảy vọt ngoạn mục từ vị trí 64 lên vị trí 39. Như vậy sau 5 năm, Việt Nam bị tụt 4 hạng, nhưng số điểm LPI của nước ta đã tăng từ 3,27 (năm 2018) lên 3,3 điểm (năm 2023).

Nhận thức được tầm quan trọng đó, trong những năm qua, ngành Hải quan đã có nhiều hoạt động đồng hành cùng doanh nghiệp logistics. Đồng thời nỗ lực cải cách, hiện đại hóa hoạt động hải quan, đặc biệt là áp dụng rộng rãi thủ tục hải quan điện tử, soi chiếu container, tăng tỷ lệ luồng xanh và luồng vàng, giảm tỷ lệ luồng đỏ, áp dụng quản lí rủi ro… góp phần quan trọng giúp thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu nhanh chóng, giúp cho các doanh nghiệp logistics đẩy nhanh được tốc độ vận chuyển, giao hàng, qua đó nâng cao được uy tín với khách hàng, thúc đẩy cạnh tranh hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam ra thế giới.

Hệ thống công nghệ thông tin nghiệp vụ hải quan được xây dựng hiện đại, đáp ứng các yêu cầu quản lý hải quan. Cùng với đó, ngành Hải quan cũng đã thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN theo lộ trình đã đề ra.

Ngành Hải quan đã hỗ trợ, hợp tác với các hiệp hội và doanh nghiệp logistics trong việc cung cấp thông tin về chính sách, quy định pháp luật liên quan đến thủ tục hải quan và chính sách xuất nhập khẩu một cách thường xuyên, kịp thời cũng như trong việc đào tạo, huấn luyện cho nhân viên đại lý, làm thủ tục hải quan, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, tạo dựng được uy tín để thu hút các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, tăng khả năng cạnh tranh trong khu vực. Ngành Hải quan cũng đã được triển khai thí điểm Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp tuân thủ pháp luật hải quan, bước đầu đã mang lại hiệu quả.

Theo ông Nguyễn Bắc Hải - Phó Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan (Tổng cục Hải quan), công tác cải cách kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu là một trong những hoạt động đã mang lại nhiều kết quả nổi bật của ngành Hải quan trong thời gian qua nhằm hiện thực hóa mục tiêu cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục cho doanh nghiệp theo định hướng của Chính phủ.

Hàng năm, hải quan các địa phương cũng tổ chức hội nghị đối thoại với doanh nghiệp theo từng lĩnh vực, trong đó có logistics và các đại lý hải quan. Qua đối thoại, nhiều hãng tàu lớn, thậm chí đã cam kết không thu một số khoản phí. Đối với đại lý hải quan, hải quan bố trí khu vực riêng phục vụ làm thủ tục nhằm tạo thuận lợi nhất cho doanh nghiệp này.

>> Có thể bạn quan tâm:

Thủ tục hải quan nhập khẩu hóa mỹ phẩm

Thủ tục hải quan nhập khẩu rượu vang

Thúc đẩy logistics tạo động lực tăng trưởng

Tuy nhiên, phát triển dịch vụ logistics hiện chưa tương xứng với tiềm năng hiện có và định hướng phát triển. Điều này hạn chế sức cạnh tranh và sức hấp dẫn đầu tư của nền kinh tế. Vì vậy, kéo giảm chi phí, phát triển logistics là vấn đề cấp bách hiện nay.

Tới đây, Chiến lược phát triển hải quan đã xác định nhiều giải pháp mạnh sẽ góp phần thúc đẩy liên kết vùng, thúc đẩy sự tăng trưởng, phát triển không gian kinh tế - xã hội, phát triển hành lang kinh tế… Từ những giải pháp này khi được triển khai thực hiện sẽ góp phần phát triển thương mại xuyên biên giới, góp phần thúc đẩy liên kết phát triển dịch vụ logistics tạo động lực tăng trưởng kinh tế.

Một số giải pháp cụ thể đặt ra trong Chiến lược phát triển hải quan đang và sẽ được triển khai thực hiện trong toàn ngành Hải quan trong giai đoạn hiện nay và thời gian tới có tác động tích cực và trực tiếp đến hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp nói chung, hoạt động logistics nói riêng.

Cụ thể là tái thiết kế hệ thống quy trình thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan làm cơ sở để xây dựng mô hình hải quan số theo kiến trúc chính phủ số, hải quan thông minh với mức độ số hóa ngày càng cao. Bên cạnh đó là việc triển khai mô hình quản lý biên giới hải quan tập trung, đảm bảo cơ quan hải quan có thể giám sát, kiểm soát hàng hóa từ đầu vào các nguồn nguyên liệu đến khi đưa vào sản xuất, chế biến, vận chuyển từ nước xuất khẩu đến nước nhập khẩu.

Những giải pháp đó thể hiện sự quyết tâm cũng như đánh giá nỗ lực cải cách, hiện đại hóa của ngành Hải quan góp phần không nhỏ vào việc tạo thuận lợi thương mại và tăng cường kết nối hệ thống logistics giữa hải quan - doanh nghiệp và các công ty kinh doanh kho, bãi, cảng, sân bay.

ÔNG NGUYỄN HỮU NGHIỆP - PHÓ CỤC TRƯỞNG CỤC HẢI QUAN TP. HỒ CHÍ MINH:

Hiệp hội là cầu nối quan trọng

Tôi nghĩ rằng các hiệp hội là cầu nối quan trọng để cơ quan hải quan có thể hỗ trợ một cách tốt nhất cho các doanh nghiệp logistics. Thứ nhất là hiệp hội và doanh nghiệp thường xuyên trao đổi thông tin, nắm bắt nguyện vọng.

Thứ hai là hiệp hội cũng là đơn vị tổ chức đào tạo, tập huấn, hướng dẫn sao cho các doanh nghiệp thành viên về các quy định mới của hải quan cũng như các bộ ngành để làm thủ tục thực tế tốt hơn.

Thứ ba là chủ động ghi nhận ý kiến doanh nghiệp vào các dự thảo thông tư, nghị định liên quan đến mảng lĩnh vực của mình, góp ý cho cơ quan soạn thảo văn bản để ban hành những chính sách sát hơn, hiệu quả hơn.

ÔNG HOẢNG QUỐC QUANG - PHÓ CỤC TRƯỞNG CỤC HẢI QUAN HÀ NỘI:

Thẳng thắn trao đổi để tháo gỡ khó khăn kịp thời

Cục Hải quan Hà Nội luôn tăng cường hợp tác với các hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng, các doanh nghiệp dịch vụ xuất nhập khẩu để tạo thuận lợi thương mại, giảm thời gian thông quan, giải phóng hàng.

Thông qua đối thoại trực tiếp, đơn vị cũng thường xuyên cùng doanh nghiệp thẳng thắn trao đổi, thảo luận các nội dung nhằm tập trung tháo gỡ khó khăn, điểm nghẽn về thể chế, chính sách làm cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; hỗ trợ, thúc đẩy sự phát triển chung, bền vững trên địa bàn.

ÔNG TRẦN THANH HẢI - PHÓ CỤC TRƯỞNG CỤC XUẤT NHẬP KHẨU, BỘ CÔNG THƯƠNG:

Tiếp tục rà soát, hoàn thiện pháp luật

Để hỗ trợ sự phát triển, việc hoàn thiện các văn bản pháp lý liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp logistics là rất quan trọng. Hai hệ thống pháp luật chính cần quan tâm là thương mại và hải quan, đặc biệt là các quy định về thủ tục quản lý giám sát, kinh doanh kho ngoại quan... cần phải được rà soát và hoàn thiện trong thời gian tới.

Ở góc độ doanh nghiệp, một mặt cần ghi nhận những nỗ lực cân bằng giữa quản lý và tạo thuận lợi của các cơ quan nhà nước. Mặt khác cũng cần tăng cường sự chủ động của mình, phải thay đổi, nâng cao chất lượng để bắt kịp xu thế thế giới, với sự tăng trưởng khi hàng hóa xuất nhập khẩu phát triển nhanh, vươn ra nhiều thị trường lớn hơn.

Hồng Vân