ĐƯA THANH HÓA TRỞ THÀNH TRUNG TÂM DỊCH VỤ LOGISTICS CẤP VÙNG

ĐƯA THANH HÓA TRỞ THÀNH TRUNG TÂM DỊCH VỤ LOGISTICS CẤP VÙNG

ĐƯA THANH HÓA TRỞ THÀNH TRUNG TÂM DỊCH VỤ LOGISTICS CẤP VÙNG

Ngày đăng: 04/01/2021

Những năm qua, tỉnh ta quan tâm đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng giao thông, nhất là cảng biển và các công trình hạ tầng kỹ thuật tại Khu Kinh tế Nghi Sơn (KKTNS), các khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn tỉnh nhằm tạo thuận lợi thu hút đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh.

 

  Cảng Nghi Sơn.

Tuy nhiên, về dịch vụ logistics, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu hàng hóa qua Cảng Nghi Sơn còn ít, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh cũng như của KKTNS. Hiện các sở, ngành, đơn vị có liên quan của tỉnh, các địa phương đang triển khai thực hiện Quyết định số 2119/QĐ–UBND, ngày 9–6–2020 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc phê duyệt Đề án phát triển dịch vụ logistics trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; phấn đấu đưa Thanh Hóa trở thành trung tâm dịch vụ logistics cấp vùng.

Dịch vụ logistics thực chất là tên gọi chung cho nhóm nhiều loại dịch vụ khác nhau, là một quá trình gồm một chuỗi các hoạt động có liên quan, có tác động qua lại lẫn nhau, như: dịch vụ xếp dỡ container, dịch vụ kho bãi, dịch vụ vận tải đa phương thức... Để kết nối có hiệu quả hệ thống hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh nói chung, KKTNS, các KCN trên địa bàn tỉnh nói riêng và các phương thức vận tải đối với lĩnh vực hàng hải; phát triển dịch vụ vận tải biển đồng bộ với hệ thống cảng biển, tập trung khai thác có hiệu quả các tuyến vận tải biển nội địa nhằm giảm tải cho đường bộ; góp phần giảm chi phí, nâng cao sản lượng vận tải, phát huy lợi thế của cảng biển. Tuy nhiên, hiện trên địa bàn tỉnh, logistics là ngành dịch vụ còn khá mới mẻ. Khi cảng biển tham gia vào chuỗi dịch vụ logistics sẽ là sự tích hợp hoạt động cảng biển, vận tải biển, dịch vụ hàng hải trong cung cấp dịch vụ logistics.

Trong quá trình xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, KKTNS, các KCN trên địa bàn tỉnh đã và đang khẳng định về sức hấp dẫn, thu hút được nhiều dự án đầu tư, với hệ thống hạ tầng kỹ thuật đã được đầu tư tương đối đồng bộ, hiện đại. Đồng thời, góp phần quan trọng trong việc chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu ngành nghề, tăng thu ngân sách Nhà nước, giải quyết nhiều việc làm cho người lao động, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và khu vực Bắc Trung bộ. Trong đó, KKTNS có Cảng nước sâu Nghi Sơn lớn nhất khu vực Bắc Trung bộ và có tiềm năng phát triển thành một trong những cảng biển lớn nhất Việt Nam. Theo báo cáo của Sở Giao thông – Vận tải, hiện khu cảng Nam Nghi Sơn một số bến đã được đầu tư xây dựng xong hoặc đang xây dựng (4 bến tổng hợp Công ty Gang thép Nghi Sơn, bến số 6 của Công ty CP Xi măng Công Thanh, bến số 7 và 8 của Công ty Xi măng Long Sơn...) và các bến đang chuẩn bị đầu tư (bến số 9 và 10 của Công ty Xi măng Long Sơn và một số bến tại khu bến container số 2...). Nhưng một trong những hạng mục quan trọng để đưa khu bến vào hoạt động hiệu quả là kết nối tuyến luồng từ các bến ra khu quay trở cũng như nâng cấp mở rộng khu quay trở bảo đảm sự gia tăng về lượng tàu theo đúng quy hoạch chi tiết cảng biển Nghi Sơn giai đoạn đến 2020, định hướng đến 2030 đã được Bộ Giao thông – Vận tải phê duyệt vẫn chưa được đầu tư xây dựng... Tuy nhiên, với những lợi thế, tiềm năng phát triển tại khu vực này và được sự ủng hộ của tỉnh, Tập đoàn CMA CGM của Pháp, một hãng tàu vận tải container lớn thứ 3 thế giới đã quyết định mở tuyến vận tải container quốc tế đến Nghi Sơn. Nhưng hiện nay lượng hàng hóa vận chuyển bằng container chưa tương xứng với năng lực tiếp nhận tàu của cảng. Đại diện lãnh đạo Ban Quản lý KKTNS và các KCN tỉnh cho biết: Nguyên nhân là do các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa chủ yếu gia công hàng hóa và sản xuất xuất khẩu các mặt hàng dệt may, giầy da nên việc chỉ định giao hàng xuất nhập khẩu đến và đi tại cửa khẩu do đối tác nước ngoài quyết định.

Với hạ tầng giao thông phát triển sẽ có lợi thế khai thác dịch vụ logistics và vận tải đa phương thức cho hàng hóa qua cảng biển. Đây là tiềm năng và lợi thế phát triển của cảng biển Nghi Sơn nói riêng và hệ thống cảng biển tỉnh Thanh Hóa nói chung. Để phấn đấu đưa Thanh Hóa trở thành trung tâm dịch vụ logistics cấp vùng, đại diện lãnh đạo Sở Giao thông – Vận tải cho biết: Thời gian tới, sở phối hợp với các sở, ngành, địa phương, đơn vị có liên quan thực hiện có hiệu quả Quyết định số 2119/QĐ–UBND, ngày 9–6–2020 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc phê duyệt Đề án phát triển dịch vụ logistics trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh, nêu rõ: Từng bước phát triển dịch vụ logistics Thanh Hóa theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, có trọng tâm, trọng điểm; bảo đảm chất lượng và hiệu quả, đóng góp tích cực vào tăng trưởng GRDP, thu ngân sách Nhà nước; đồng thời, hỗ trợ các ngành công nghiệp, thương mại, dịch vụ khác của tỉnh phát triển. Tập trung nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics về số lượng, quy mô, trình độ nhân lực, có năng lực cạnh tranh cao. Từng bước hình thành các doanh nghiệp dịch vụ logistics đầu tàu, có đủ sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế; đồng thời, hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp dịch vụ logistics theo phương châm hiện đại, chuyên nghiệp... Đi đôi với đó, Sở Giao thông – Vận tải tham mưu cho UBND tỉnh tập trung huy động các nguồn lực đầu tư các công trình giao thông trọng điểm mang tính kết nối, liên thông với các cảng biển, trung tâm logistics... để phát triển vận tải đa phương thức. Nghiên cứu, hỗ trợ phát triển Trung tâm logistics hạng I tại KKTNS trong quá trình từ đầu tư xây dựng đến vận hành. Đôn đốc, tạo điều kiện thuận lợi để nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án cảng biển nhằm từng bước hoàn thiện hệ thống Cảng Nghi Sơn theo quy hoạch; nâng cao năng lực khai thác Cảng Nghi Sơn, Cảng Lễ Môn, kêu gọi đầu tư xây dựng Cảng Quảng Châu. Xây dựng thương hiệu cho Cảng container quốc tế Nghi Sơn để thu hút được các chủ hàng ở tỉnh Thanh Hóa và trong vùng đưa hàng hóa về vận chuyển qua cảng biển Nghi Sơn. Tiếp tục đẩy mạnh kêu gọi, thu hút đầu tư phát triển dịch vụ cảng biển, vận tải biển, logistics trên địa bàn tỉnh; khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để các hãng vận tải biển lớn, các doanh nghiệp logistics trong và nước ngoài có năng lực hoạt động xuất, nhập khẩu tại KKTNS.

Tiếp tục rà soát quy hoạch, đẩy mạnh xã hội hóa việc đầu tư xây dựng, phát triển cơ sở hạ tầng cảng biển bằng các hình thức đầu tư đối tác công tư (PPP). Đi đôi với phát triển và đầu tư hạ tầng cảng biển, Sở Giao thông – Vận tải nghiên cứu xây dựng đường sắt nối Cảng Nghi Sơn với tuyến đường sắt Bắc - Nam dài 11 km theo quy hoạch tổng thể phát triển ngành giao thông – vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1436/QĐ-TTg ngày 10-9-2009. Sở Giao thông – Vận tải cũng sẽ tập trung nghiên cứu phát triển, mở rộng hoạt động dịch vụ logistics trên địa bàn tỉnh, phấn đấu trở thành ngành dịch vụ chủ lực.

Được biết, Ban Quản lý KKTNS và các KCN tỉnh, đã làm việc, có văn bản đề nghị các doanh nghiệp trong tỉnh, các doanh nghiệp hoạt động logistics ưu tiên thực hiện thủ tục hải quan và sử dụng dịch vụ xuất, nhập khẩu hàng hóa qua Cảng Nghi Sơn... Các hãng tàu biển, các chủ đầu tư cảng, các đơn vị hoạt động logistics nghiên cứu xây dựng đơn giá bảo đảm tính cạnh tranh nhất để giảm tổng chi phí cho doanh nghiệp khi tham gia xuất nhập khẩu tại Cảng Nghi Sơn.

Bài và ảnh: Xuân Hùng