ĐƯỜNG BAY THẲNG VIỆT - MỸ: CÁC HÃNG HÀNG KHÔNG CHỌN CHIẾN LƯỢC NÀO?

ĐƯỜNG BAY THẲNG VIỆT - MỸ: CÁC HÃNG HÀNG KHÔNG CHỌN CHIẾN LƯỢC NÀO?

ĐƯỜNG BAY THẲNG VIỆT - MỸ: CÁC HÃNG HÀNG KHÔNG CHỌN CHIẾN LƯỢC NÀO?

Ngày đăng: 13/01/2020

Việc mở đường bay thẳng đến Mỹ được đánh giá rất tiềm năng, nhiều năm qua các hãng hàng không Việt Nam đều "nhòm ngó" thị trường này. Tuy nhiên rào cản pháp lý, chi phí khai thác cao... là những yếu tố khiến đến nay chưa có hãng hàng không trong nước dám nhảy vào.


 

Hiện ở Việt Nam, duy nhất chỉ có Vietnam Airlines đạt tiêu chuẩn để mở đường bay thẳng đến Mỹ.

 

Bay đến Mỹ cần gì?


Theo Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Đinh Việt Thắng, Mỹ là một thị trường hàng không lớn nhất thế giới. Bản thân Mỹ là quốc gia có nền kinh tế lớn nhất thế giới, do đó muốn phát triển phải kết nối với thị trường Mỹ.


Để bay đến thị trường Mỹ, về pháp lý, Việt Nam đã đàm phán ký kết hiệp định hàng không tới Mỹ từ năm 2003. Theo đó, Mỹ và Việt Nam có quyền mở đường bay đến Mỹ và ngược lại với tần suất 7 chuyến/tuần. Việt Nam có thể sử dụng thương quyền 5 (-quyền vận tải hàng không thương mại cấp cho các hãng hàng không của một quốc gia-PV) để bay giữa Việt Nam và Mỹ đến tất cả các điểm trừ Nhật Bản. Việt Nam cũng đã tiến hành đàm phán hàng không với các quốc gia đối tác để chuẩn bị hỗ trợ các hãng để mở đường bay đến Mỹ. Hiện đã thống nhất được với Đài Loan, Hàn Quốc cho việc sử dụng thương quyền năm. Như vậy cơ sở pháp lý để chúng ta mở đường bay thẳng, hoặc bay có 1 điểm dừng tới Mỹ hiện nay là đã có.


Về năng lực quản lý hàng không, muốn bay đến Mỹ, các quốc gia đều phải được Cục Hàng không liên bang Mỹ đánh giá. Sau hơn 10 năm, chúng ta đã hoàn thiện toàn bộ hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, quy trình, nhân lực, công cụ quản lý để năm ngoái, được Mỹ công nhận là đạt tiêu chuẩn CAT 1 (năng lực giám sát an toàn hàng không mức 1). Đây là điều kiện tiên quyết để bay đến Mỹ.


Về an ninh hàng không, các hãng hàng không muốn bay đến Mỹ phải được cơ quan quản lý an ninh hàng không Mỹ phê chuẩn. Các sân bay xuất phát từ Việt Nam đến Mỹ cũng phải được cơ quan quản lý an ninh hàng không Mỹ phê chuẩn đủ điều kiện về an ninh hàng không. Hiện nay hàng năm, cơ quan quản lý an ninh hàng không Mỹ thường cử các đoàn chuyên gia sang đánh giá. Hiện dù chúng ta chưa có đường bay thẳng đến Mỹ nhưng có đường bay nối đến Mỹ.


Về năng lực khai thác của hãng hàng không, hãng hàng không muốn bay đến Mỹ phải có tàu bay để đăng ký bay đường dài và bay qua đại dương đến Mỹ. Theo đánh giá của Cục Hàng không Việt Nam, nếu bay thẳng từ Việt Nam đến Mỹ phải đạt tiêu chuẩn bay 2 động cơ vượt đại dương, tối thiểu ETOPS 180 phút. Hiện ở Việt Nam, duy nhất chỉ có Vietnam Airlines đạt tiêu chuẩn này. Còn những hãng hàng không khác như Bamboo Airway có mong muốn muốn đạt tiêu chuẩn 180 phút thì điều kiện đầu tiên là phải tích luỹ kinh nghiệm, hoàn thiện kinh nghiệm quản lý, như vậy sớm nhất là sau 18 tháng nữa mới có thể bay được.


Về thị trường, Mỹ đang là thị trường cạnh tranh tương đối khốc liệt. Ngay ở Việt Nam cũng đang có rất nhiều đường bay nối chuyến tới Mỹ. Do đó, phải cạnh tranh được với các hãng hàng không này khi muốn tham gia bay tới Mỹ và đây là một thách thức rất lớn. Và cuối cùng các hãng hàng không muốn bay đến Mỹ phải thực hiện một loạt thủ tục liên quan, phải có chương trình kế hoạch, lên chương trình hết sức khốc liệt. Như vậy có thể thấy để mở được đường bay đến Mỹ không phải là chuyện đơn giản.


“Miếng bánh” lớn nhưng không dễ ăn


Là một hãng hàng không lớn nhất Việt Nam, đồng thời đã xây dựng kế hoạch mở đường bay đến Mỹ từ rất sớm, theo Tổng giám đốc Vietnam Airlines Dương Trí Thành, Vietnam Airlines đã lên kế hoạch bay Mỹ từ năm 2008 và coi đây là nhiệm vụ chính trị, cầu nối tạo cầu nối giao thương của hãng hàng không quốc gia. Trong chiến lược phát triển của mình, Vietnam Airlines xác định là hãng hàng không 4 - 5 sao và bay xuyên lục địa. Hiện Vietnam Airlines đã có đường bay đến Anh, Pháp, Đức, chỉ còn thiếu đường bay Mỹ. Cũng theo ông Thành, Vietnam Airlines đã mở văn phòng ở SanFacisco từ 2001. “Thị trường Mỹ là thị trường khổng lồ, mang tính chiến lược và hiện đang phục vụ khá tốt thông qua hệ thống nối chuyến. Hiện bay từ TPHCM đến Los Angeles, bay không dừng khoảng 18 tiếng. Bay nối chuyến qua Đài Loan khoảng 22 tiếng. Như vậy thu hút khách bay thẳng không phải dễ. Bay thẳng chỉ hấp dẫn với khách thương gia, nhưng lượng khách này dù mỗi ngày một đông nhưng thực sự đến thời điểm hiện tại chưa đủ để có thể mang lại doanh thu hợp lý. Trong kế hoạch 5 năm, chúng tôi đã xác định sẽ bay Mỹ từ năm 2018, tuy nhiên, ngoài lý do phương tiện, kỹ thuật thì vấn đề hiệu quả đường bay cũng cần được cân nhắc”, ông Dương Trí Thành nhấn mạnh.


Không chỉ Vietnam Airlines, “miếng bánh” Mỹ cũng khiến hãng hàng không Vietjet Air lưỡng lự. Theo ông Đinh Việt Phương Phó Tổng giám đốc, hiện Vietjet khai thác đội tàu bay thân hẹp, với đường bay, chặng bay trong tầm 5 - 6 giờ. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tập trung nâng cao số lượng tàu bay. Hiện hàng ngày chúng tôi thực hiện 400 chuyến bay trên 120 đường bay trong nước và quốc tế. Giai đoạn tới, chúng tôi sẽ tăng tuyến, tăng tải, tăng điểm đến. Khách của Vietjet có thể bay đi Mỹ thông qua việc hợp tác liên doanh.


Trái ngược lại với những lo lắng về hiệu quả đường bay như Vietnam Airlines, cùng với việc vừa tiếp nhận 2 máy bay thân rộng Boeing 787-9 Dreamliner đầu tiên về đội bay tại sân bay quốc tế Nội Bài, mở đầu cho loạt máy bay thân rộng sẽ liên tục về với đội bay vào cuối năm 2019 và đầu năm 2020, dự kiến trong thời gian tới, sau khi làm xong AOC (chứng chỉ nhà khai thác bay) thân rộng, Bamboo Airways sẽ tiếp tục triển khai với phía Mỹ để thực hiện các bước tiếp theo (nộp hồ sơ đến nhà chức trách hàng không Mỹ). Hiện nay Bamboo Airways đã lựa chọn được 1 đối tác tại Mỹ để làm đối tác hợp tác chiến lược và đang trong quá trình lựa chọn hợp tác, bắt đầu tìm hiểu, xúc tiến với một số hãng hàng không của Mỹ. Chúng tôi hy vọng sớm nhất là cuối năm 2020, đầu 2021, hãng sẽ triển khai được đường bay thẳng tới Mỹ.

Xuân Thảo