HẢI QUAN QUẢNG NINH: THÚC ĐẨY HẠT ĐỘNG XNK HÀNG HÓA QUA ĐỊA BÀN

HẢI QUAN QUẢNG NINH: THÚC ĐẨY HẠT ĐỘNG XNK HÀNG HÓA QUA ĐỊA BÀN

HẢI QUAN QUẢNG NINH: THÚC ĐẨY HẠT ĐỘNG XNK HÀNG HÓA QUA ĐỊA BÀN

Ngày đăng: 22/07/2020

6 tháng đầu năm nay, các chỉ tiêu trọng điểm của Cục Hải quan Quảng Ninh đều đạt và vượt so với kế hoạch; nổi bật là thu ngân sách nhà nước (NSNN) đạt trên 6.700 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ năm trước, đạt trên 70% chỉ tiêu Bộ Tài chính giao, 61% chỉ tiêu tỉnh giao. Kết quả này đã đưa Hải quan Quảng Ninh đứng thứ 7 toàn ngành, góp phần cùng với tỉnh hoàn thành “mục tiêu kép” vừa chống dịch, vừa đảm bảo phát triển kinh tế.

 

Hoạt động nghiệp vụ của cán bộ Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Hòn Gai.

Ngay sau Tết Nguyên đán Canh Tý, các cửa khẩu đường bộ, cặp chợ cư dân biên giới của tỉnh phải tạm dừng hoạt động do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Việc đóng cửa khẩu trong 3 tháng đầu năm khiến lượng tờ khai bị sụt giảm nghiêm trọng, lên tới 60% so với cùng kỳ, kéo theo sự sụt giảm về kim ngạch xuất nhập khẩu (XNK) hàng hóa qua địa bàn tỉnh.

Trước tình trạng này, Cục Hải quan đã tham mưu UBND tỉnh triển khai các giải pháp quyết liệt, chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng phía Trung Quốc để đảm bảo hoạt động cho các cửa khẩu đường bộ được thông suốt nhanh chóng, an toàn, kết hợp với kiểm soát chặt chẽ dịch bệnh. Đồng thời, phối hợp với các địa phương biên giới để tổ chức hội đàm với chính quyền Trung Quốc chuẩn bị các kế hoạch, biện pháp, kịch bản trong việc tổ chức thông quan trở lại.


Vận chuyển hàng hoá tại cầu Bắc Luân II (TP Móng Cái).

Ngày 18/2, sau khi đảm bảo các điều kiện phòng chống dịch, Cửa khẩu Hoành Mô (huyện Bình Liêu) đã chính thức được thông quan trở lại. Tiếp đến chiều 25/2, lối mở Km3+4 Hải Yên qua cầu phao tạm trên sông Ka Long (TP Móng Cái), cơ quan chức năng 2 bên đã cho phép hàng hóa Việt Nam xuất khẩu làm thủ tục thông quan, bao gồm hàng hóa có hợp đồng mua bán giữa hai bên (hợp đồng thương mại) hoặc hàng hóa khai báo theo loại hình trao đổi cư dân biên giới. Ngày 6/7, Cửa khẩu Bắc Phong Sinh (Việt Nam) - Lý Hỏa (Trung Quốc) chính thức hoạt động trở lại sau hơn 5 tháng phải tạm dừng. Việc mở cửa các cửa khẩu đường bộ đã đưa hoạt động XNK qua địa bàn tỉnh sôi động trở lại sau nhiều ngày bị trầm lắng, gián đoạn.

Tại các cảng biển, cảng hàng không, Cục Hải quan Quảng Ninh cũng tập trung triển khai những giải pháp cụ thể, có hiệu quả, đảm bảo yêu cầu quản lý nhà nước về hải quan. Trong 6 tháng đầu năm đã có 3 đoàn công tác cấp Cục, gần 300 đoàn công tác cấp chi cục hải quan trực tiếp gặp gỡ tiếp xúc, hỗ trợ các doanh nghiệp có hoạt động XNK hàng hóa. Qua đó, đã kịp thời nắm bắt khó khăn vướng mắc, bám sát các diễn biến hoạt động XNK, kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp truyền thống, doanh nghiệp mới trên địa bàn, từ đó báo cáo, kiến nghị với cấp có thẩm quyền kịp thời tháo gỡ.


Cán bộ hải quan Chi cục Hải quan cảng Cẩm Phả thực hiện kiểm hóa đá vôi tại khu vực Hòn Nét (TP Cẩm Phả).

Cục Hải quan Quảng Ninh tiếp tục ứng dụng hiệu quả các hệ thống CNTT, phần mềm nghiệp vụ hải quan để rút ngắn thời gian thông quan, giải phóng hàng, tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp. Trong đó, trọng tâm là thực hiện giai đoạn II hệ thống giám sát hải quan tự động VASSCM, cơ chế 1 cửa quốc gia, 1 cửa ASEAN… Hiện trung bình thời gian xử lý cho một bộ hồ sơ làm thủ tục thông quan chỉ còn hơn 7 phút, là một bước tiến đáng kể của Hải quan Quảng Ninh trong rút ngắn thời gian thông quan.

Với việc không ngừng tìm kiếm giải pháp trong giai đoạn nền kinh tế tăng trưởng chậm do ảnh hưởng của dịch Covid-19, trong 6 tháng đầu năm nay, Hải quan Quảng Ninh đã thu hút thêm 240 doanh nghiệp mới về làm thủ tục, đóng góp số thu gần 300 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Văn Nghiên, Cục trưởng Cục Hải quan Quảng Ninh, khẳng định: Mặc dù số thu NSNN của đơn vị hiện đã hoàn thành 3/4 chỉ tiêu của năm 2020, tuy nhiên trong bối cảnh dịch Covid-19 trên thế giới còn phức tạp, hoạt động XNK của các doanh nghiệp vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Cục sẽ tiếp tục bám sát diễn biến dịch Covid-19 đề xuất giải pháp giúp thúc đẩy hoạt động XNK hàng hóa qua địa bàn, nhất là cho nhóm hàng tạm nhập tái xuất, kho ngoại quan hiện không xuất được do hạn chế các địa điểm xuất hàng. Đơn vị cũng chủ động nắm bắt thông tin về xu hướng chuyển dịch đầu tư từ một số nước về Việt Nam, trên cơ sở đó tổng hợp danh sách doanh nghiệp có nhu cầu đầu tư để đề xuất với UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành tham gia hỗ trợ tạo thuận lợi thu hút doanh nghiệp. Mục tiêu cao nhất của đơn vị là phấn đấu đạt 11.000 tỷ đồng thu NSNN, góp phần cùng tỉnh hoàn thành thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020.

Hoàng Nga