KHO BÃI TRONG LOGISTICS

KHO BÃI TRONG LOGISTICS

KHO BÃI TRONG LOGISTICS

Ngày đăng: 07/10/2019

Kho bãi là một bộ phận không thể thiếu trong chuỗi cung ứng cũng như dịch vụ logistics, là nơi cất giữ nguyên vật liệu, thành phẩm,…trong suốt quá trình chu chuyển từ điểm đầu đến điểm cuối của dây chuyền cung ứng, đồng thời cung cấp các thông tin về tình trạng, điều kiện lưu giữ và vị trí các hàng hóa được lưu.

 1. Tầm quan trọng của kho bãi trong logistics

Hoạt động kho bãi có ảnh hưởng trực tiếp đến vấn đề lưu trữ và bảo quản hàng hóa của doanh nghiệp. Quản trị kho bãi trong logistics tốt giúp doanh nghiệp:

Góp phần giảm thiểu chi phí sản xuất, vận chuyển, phân phối hàng hóa. Nhờ đó kho có thể chủ động tạo ra các lô hàng với quy mô kinh tế trong quá trình sản xuất và phân phối, giảm chi phí bình quân trên một đơn vị.
Góp phần tiết kiệm chi phí lưu thông thông qua việc quản lý tốt hao hụt hàng hóa, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả cơ sở vật chất của kho.
Duy trì nguồn cung ổn định, sẵn sàng giao bất kỳ lúc nào khách hàng có nhu cầu.
Cung cấp đến khách hàng dịch vụ tốt hơn do hàng hóa đúng yêu cầu về số lượng, chất lượng và tình trạng.
Tạo nên sự khác biệt và tăng vị thế cạnh tranh của doanh nghiệp.
2. Một số loại kho bãi trong logistics

a. Cross Docking

Cross Docking là một kĩ thuật logistics nhằm loại bỏ chức năng lưu trữ và thu gom đơn hàng của một kho hàng, mà vẫn cho phép thực hiện các chức năng tiếp nhận và gửi hàng. Ý tưởng chính của kĩ thuật này là chuyển các lô hàng trực tiếp từ các trailer đến cho các trailer đi – bỏ qua quá trình lưu trữ trung gian. Các lô hàng thông thường chỉ mất khoảng một ngày ở Cross dock và đôi khi chưa tới 1 giờ. Do đó nó sẽ cắt giảm được chi phí cũng như gia tăng hiệu quả khai thác hoặc nhận hàng hóa lưu trữ rồi ngay lập tức xếp lên xe tải để chở đến nơi quy định.

 

Trong mô hình truyền thống, các kho duy trì lượng hàng cho đến khi có đơn hàng của khách, sau đó các sản phẩm được chọn, đóng gói và chuyển đi. Khi các đơn hàng bổ sung đến kho, chúng được lưu trữ cho đến khi khách hàng được xác định. Trong mô hình Cross Docking, khách hàng được biết trước về sản phẩm đến kho và sản phẩm này không có nhu cầu để lưu trữ. Vì vậy, nét đặc trưng của Cross – Docking là thời gian hàng hóa chuyển đến kho và địa điểm xuất hàng được biết trước.

Các loại hàng phù hợp cho Cross Docking nếu nhu cầu của nó đáp ứng hai tiêu chí: biến động đủ thấp và khối lượng đủ lớn. Nếu nhu cầu là không chắc chắn Cross Docking rất khó để thực hiện vì khó khăn trong việc cân đối giữa cung và cầu.

Bên cạnh có biến động thấp, nhu cầu cho sản phẩm phải đủ để đảm bảo các lô hàng được giao thường xuyên vì nếu nhu cầu là quá thấp, việc giao hàng thường xuyên sẽ dẫn đến gia tăng chi phí vận tải đầu vào, và các kho hàng sẽ phải lưu trữ tốt hơn.

Một số loại sản phẩm như: Các mặt hàng dễ hư hỏng đòi hỏi việc vận chuyển ngay lập tức; Mặt hàng chất lượng cao mà không cần phải kiểm tra chất lượng trong quá trình nhận hàng; Sản phẩm đã được gắn thẻ (bar code, RFID), dán nhãn và sẵn sàng để bán cho khách hàng,…

b. Kho bảo thuế

Kho bảo thuế được thành lập để lưu giữ nguyên liệu nhập khẩu để cung ứng cho sản xuất của chính doanh nghiệp có kho bảo thuế. Nguyên liệu nhập khẩu đưa vào kho bảo thuế chưa phải nộp thuế nhập khẩu và các loại thuế khác.

Điều kiện thành lập kho bảo thuế:

Là doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật.
Có tỷ lệ xuất khẩu ít nhất là 50% sản phẩm do doanh nghiệp sản xuất từ nguyên liệu nhập khẩu gửi kho bảo thuế.
Không nợ thuế thuộc diện phải cưỡng chế.
Có hệ thống sổ sách, chứng từ theo dõi việc xuất khẩu, nhập khẩu, xuất kho, nhập kho đầy đủ, chặt chẽ theo quy định của pháp luật. Chấp hành tốt các quy định của pháp luật; quan hệ về kinh doanh, tài chính, tín dụng rõ ràng.
Kho phải đặt ở khu vực thuận lợi cho việc quản lý, giám sát của Hải quan.

 

Nguyên tắc lưu hàng hóa trong kho bảo thuế:

Doanh nghiệp được lưu giữ cả nguyên phụ liệu nhập khẩu để sản xuất hàng xuất khẩu và tiêu thụ trong nước trong kho bảo thuế, nhưng phải để tách riêng từng loại, Hải quan quản lý riêng từng loại. Trong quá trình sản xuất, doanh nghiệp có thể chuyển một phần nguyên phụ liệu từ loại này sang loại khác, nhưng phải làm văn bản đề nghị Hải quan địa phương và chấp hành đúng tỷ lệ xuất khẩu đã đăng ký.
Khi nhập khẩu nguyên phụ liệu, người gửi hàng không nhất thiết phải tách chứng từ và hàng hoá thành hai loại, mà có thể gửi một lô chung cho cả hai loại hình. Nhưng khi làm thủ tục nhập khẩu thì phải lập tờ khai riêng cho từng loại.
Hàng hoá nhập khẩu đưa vào kho bảo thuế không được bán vào thị trường Việt Nam. Trường hợp được Bộ Thương mại cho phép bán tại thị trường Việt Nam thì doanh nghiệp phải nộp thuế nhập khẩu và các loại thuế khác theo quy định của pháp luật.
Thuận lợi của kho bảo thuế: Đối với doanh nghiệp có lưu lượng hàng hóa XNK lớn, nhập khẩu hàng hoá theo loại hình sản xuất xuất khẩu việc thành lập kho bảo thuế sẽ phục vụ kịp thời nhu cầu lưu trữ nguyên liệu, vật tư (nhưng chưa phải nộp thuế khi nhập khẩu) đưa vào phục vụ sản xuất.

c. Kho ngoại quan

Là khu vực kho, bãi được ngăn cách với khu vực xung quanh để tạm lưu giữ, bảo quản hoặc thực hiện các dịch vụ đối với hàng hoá từ nước ngoài hoặc từ trong nước đưa vào kho theo hợp đồng thuê kho ngoại quan được ký giữa chủ kho ngoại quan và chủ hàng (Điều 22 Nghị định 154/2005/NĐ-CP).

Thủ tục hải quan: Hàng hoá, phương tiện vận tải ra, vào hoặc lưu giữ, bảo quản trong kho ngoại quan phải làm thủ tục hải quan, chịu sự kiểm tra, giám sát của cơ quan hải quan.

Các dịch vụ được thực hiện trong kho ngoại quan:

Chủ hàng hoá gửi kho ngoại quan trực tiếp thực hiện hoặc uỷ quyền cho chủ kho ngoại quan thực hiện các dịch vụ sau đối với hàng hoá gửi kho ngoại quan:

– Gia cố, chia gói, đóng gói bao bì; phân loại phẩm cấp hàng hoá, bảo dưỡng hàng hoá.

– Làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa đưa ra, đưa vào kho ngoại quan.

– Vận chuyển hàng hoá từ cửa khẩu vào kho ngoại quan, từ kho ngoại quan ra cửa khẩu, từ kho ngoại quan này sang kho ngoại quan khác.

– Chuyển quyền sở hữu hàng hoá.

Kho ngoại quan mang lại lợi ích:

– Hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu từ nước ngoài chờ đưa vào thị trường trong nước, chưa phải nộp thuế nhập khẩu (Khoản 2.b Điều 25, Nghị định 154)

– Doanh nghiệp làm dịch vụ kho ngoại quan dễ bố trí sắp xếp hàng khoa học qua đó giảm được chi phí và thời gian, doanh nghiệp gửi hàng tại kho ngoại quan cũng dễ dàng theo dõi tình trạng hàng hóa của mình đang gửi tại kho.

d. Kho CFS

Địa điểm thu gom hàng lẻ (CFS) là khu vực kho, bãi dùng để thực hiện các hoạt động thu gom, chia, tách hàng hóa của nhiều chủ hàng vận chuyển chung container.

 

 

Thủ tục hải quan

Hàng hóa được đưa vào CFS bao gồm:

– Hàng hoá nhập khẩu đưa vào CFS là hàng hoá chưa làm xong thủ tục hải quan, đang chịu sự giám sát, quản lý của cơ quan hải quan.

– Hàng hoá xuất khẩu đưa vào CFS là hàng hoá đã làm xong thủ tục hải quan hoặc hàng hoá đã đăng ký tờ khai hải quan tại Chi cục hải quan ngoài cửa khẩu nhưng việc kiểm tra thực tế hàng hoá được thực hiện tại CFS.

Các dịch vụ được thực hiện:

– Đóng gói, đóng gói lại, sắp xếp, sắp xếp lại hàng hóa chờ xuất khẩu.

– Hàng quá cảnh, hàng trung chuyển được đưa vào các địa điểm thu gom hàng lẻ trong cảng để chia tách, đóng ghép chung container xuất khẩu hoặc đóng ghép chung với hàng xuất khẩu của Việt Nam.

– Chia tách các lô hàng nhập khẩu để chờ làm thủ tục nhập khẩu hoặc đóng ghép container với các lô hàng xuất khẩu khác để xuất sang nước thứ ba.

– Chuyển quyền sở hữu đối với hàng hóa trong thời gian lưu giữ.

Kho CFS mang lại thuận lợi:

– Trường hợp doanh nghiệp có nhiều lô hàng lẻ, muốn bán cho nhiều khách hàng tại cùng một nước đến thì CFS là nơi giúp các doanh nghiệp thu gom hàng lẻ thành một lô lớn đóng đầy container để làm thủ tục xuất khẩu, sẽ tiết kiệm được chi phí.

– Là nơi nhiều chủ hàng nhập khẩu cùng khai thác chung một vận đơn vận tải hàng nhập khẩu sẽ tiết kiệm chi phí vận chuyển, thuận tiện làm thủ tục nhập khẩu.