KHỔ VÌ CONTAINER TỒN ĐỌNG Ở CẢNG

KHỔ VÌ CONTAINER TỒN ĐỌNG Ở CẢNG

KHỔ VÌ CONTAINER TỒN ĐỌNG Ở CẢNG

Ngày đăng: 06/01/2021

Hàng ngàn container phế liệu tồn đọng chưa giải tỏa đã ảnh hưởng phần nào đến thông quan hàng hóa dịp cuối năm

  Thông tin từ Cục Hải quan TP HCM cho biết năm 2020, khi Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 (cảng Cát Lái) triển khai đề án tạo thuận lợi thương mại thủ tục hải quan hoạt động logistics và chống ùn tắc tại cảng đã có 3.070 lượt doanh nghiệp (DN) tham gia, thực hiện trên 35.460 tờ khai với gần 51.000 container. Thời gian thông quan đã giảm, chỉ còn 1 phút 33 giây, giảm 1.069 giờ đối với số tờ khai. Tuy vậy, áp lực hàng hóa cuối năm nhiều đã gây khó khăn cho việc thông quan hàng hóa. Bên cạnh đó, tại cảng vẫn còn tới 2.874 container hàng tồn đọng quá hạn 90 ngày. Trong đó có 2.029 container phế liệu, đã phân loại 1.527 container.

Đại diện Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 cho hay với số lượng hàng hóa tồn đọng lớn trong nhiều năm qua, việc xử lý dù có nhiều chuyển biến tích cực nhưng chưa đạt yêu cầu. Lượng hàng hóa tồn đọng quá nhiều nên việc kiểm kê phân loại, định giá, bán đấu giá mất rất nhiều thời gian. Việc xử lý hàng hóa tồn đọng kéo dài làm hạn chế khả năng khai thác cảng biển của DN, gây nên tình trạng ùn ứ thường xuyên hoặc cục bộ tại các thời kỳ cao điểm như lễ, Tết. Chưa kể, việc tồn đọng hàng trong bãi cũng làm thiếu container rỗng, buộc các hãng tàu phải tăng cước vận chuyển. Một số DN logistics cho biết do hàng hóa ở cảng nhiều nên việc di chuyển, bốc dỡ gây tốn thêm chi phí cho DN. Đặc biệt, tình trạng khan hiếm container rỗng đã đẩy giá thuê container tăng gấp nhiều lần lúc bình thường khiến DN ở rất nhiều lĩnh vực gặp khó khăn.

 

Tình trạng ùn ứ ở cảng Cát Lái (TP HCM) dịp cuối năm thường tăng cao do lượng hàng hóa xuất nhập khẩu rất lớn

Một DN có lượng container nhập về trung bình 500-700 container/tháng cho biết trong năm qua, DN đã tốn rất nhiều chi phí vì giá cước hàng hải và giá thuê container tăng cao. "Có thời điểm giá cước vận chuyển từ Trung Quốc về tăng gấp 10 lần. Còn từ Mỹ thì tăng 3 lần. Tất cả chi phí này đều phải đưa vào giá thành sản phẩm" - DN này chia sẻ.

Trao đổi với phóng viên về việc chưa xử lý dứt điểm phế liệu tồn đọng ở cảng Cát Lái, gây khó khăn cho giải phóng hàng, ông Mai Xuân Thành, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, cho rằng việc xử lý sớm dứt điểm và đúng pháp luật với hàng phế liệu tồn đọng đang là vấn đề nan giải. Tổng cục Hải quan cũng đang tìm cách xử lý sao cho phù hợp nhất, sớm giải tỏa lượng container tồn đọng sớm nhất theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ. Theo ông Thành, phương án tiêu hủy là có cơ sở nhưng vấn đề chi phí sẽ quy cho ai, như thế nào cho hợp lý là rất quan trọng.

Về việc các hãng tàu cho rằng Tổng cục Hải quan "làm khó", không cho họ tái xuất hàng không đạt chuẩn ra khỏi lãnh thổ Việt Nam và chuyển qua nước thứ 3 mà bắt buộc phải tái xuất về nước xuất khẩu đồng thời không cho phép hãng tàu sang container, ông Mai Xuân Thành cho rằng đó là điều không dễ vì sẽ ảnh hưởng "hàng xóm". "Nhà mình có rác, mình phải tự xử lý chứ không thể đem vứt qua nhà hàng xóm được" - ông Thành nói.

Trước tình trạng hàng hóa tồn đọng ở cảng dịp cuối năm, ông Trần Việt Thắng, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1, đã kiến nghị Tổng cục Hải quan chỉ đạo giải quyết những vướng mắc của hãng tàu trong việc xử lý phế liệu tồn đọng để nhanh chóng giải phóng mặt bằng cho DN cảng kinh doanh. Bên cạnh đó, cần sớm có cơ chế đấu thầu, giao cho các DN chuyên nghiệp chuyên thực hiện kiểm kê, phân loại, định giá, xử lý hàng hóa tồn đọng thay cho hội đồng xử lý hàng hóa tồn đọng. Hội đồng chỉ giám sát, theo dõi việc thực hiện để đẩy nhanh tiến độ xử lý hàng tồn đọng. Ngoài ra, đề xuất Tổng cục Hải quan cho phép DN kinh doanh cảng bố trí địa điểm riêng (trong hoặc ngoài cảng) để lưu giữ hàng tồn đọng nếu bảo đảm điều kiện kiểm tra, giám sát hải quan nhằm giải phóng mặt bằng, nâng cao năng lực khai thác cảng.

Bài và ảnh: Sơn Nhung