KHỞI NGHIỆP CÙNG LOGISTICS: KHÔNG CHỈ CẦN KHÁT VỌNG VÀ ĐAM MÊ

KHỞI NGHIỆP CÙNG LOGISTICS: KHÔNG CHỈ CẦN KHÁT VỌNG VÀ ĐAM MÊ

KHỞI NGHIỆP CÙNG LOGISTICS: KHÔNG CHỈ CẦN KHÁT VỌNG VÀ ĐAM MÊ

Ngày đăng: 08/07/2019

Tại cuộc Tọa đàm “Khởi nghiệp cùng logistics” diễn ra ở Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, ngày 16/3/2019, do Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) phối hợp với Mạng lưới Đào tạo logistics Việt Nam tổ chức, nhằm giúp lớp trẻ định hướng đúng đắn những cơ hội và thách thức khi ra trường nếu chọn logistics là lĩnh vực để khởi nghiệp, các diễn giả cho rằng: ngoài cần khát vọng, đam mê, nắm bắt và làm chủ công nghệ, có tri thức, sáng tạo, còn cần có nguồn vốn khá lớn.

Phó Giáo sư- Tiến sỹ Hoàng Minh Sơn - Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho hay, logistics là một lĩnh vực có mối quan hệ liên ngành giữa kinh tế, công nghệ, toán học, là cầu nối sản xuất với thị trường, hàng hóa với người tiêu dùng… Xây dựng và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực logistics để phục vụ phát triển kinh tế… là rất quan trọng và đang được quan tâm, trong đó có Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Trong xu thế toàn cầu hóa kinh tế, công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo, internet vạn vật, xử lý dữ liệu lớn phát triển mạnh mẽ đang mở ra những cơ hội rất lớn cho ngành logistics đột phá phát triển, tạo ra những giá trị gia tăng lớn. Tinh thần khởi nghiệp đang được thúc đẩy mạnh mẽ trong hệ thống các trường đại học, logistics đang thu hút sự quan tâm của nhiều sinh viên chuyên ngành này và các ngành học liên quan khác khi ra trường chọn việc làm hoặc khởi nghiệp.

Đó là một trong những lý do rất đông sinh viên học chuyên ngành logistics hoặc các chuyên ngành kinh tế khác, thuộc các trường đại học đến tham dự cuộc tọa đàm, đặt ra nhiều câu hỏi với các diễn giả liên quan đến kinh nghiệm khởi nghiệp, kinh doanh, điều hành doanh nghiệp… trong lĩnh vực logistics.

Ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) - Trưởng Ban tổ chức Tọa đàm cho rằng, logistics đang trở thành một nghề với nhiều sắc thái đa dạng, nhiều vị trí khác nhau, có cả những thử thách, niềm vui, nguồn thu nhập, kích thích những người trẻ dấn thân. Tuy nhiên, theo các CEO trong lĩnh vực này, khởi nghiệp và khởi nghiệp sáng tạo thành công trong lĩnh vực logistics là không hề đơn giản.

Theo ông Trần Tuấn Đức - Tổng Giám đốc Real Logistics Hà Nội, trong bối cảnh công nghệ kết nối như hiện nay, chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh, một máy tính và một con người đã có thể khởi nghiệp (gia nhập thị trường) logistics. Thế nhưng, để khởi nghiệp thành công, có chỗ đứng tốt trên thị trường, mở rộng qui mô phát triển, đòi hỏi phải có nguồn vốn rất lớn và công nghệ, cùng với nhiều yếu tố khác, nhất là về nhân lực, có những CEO trong lĩnh vực logistics đã phải trả giá bằng cả nước mắt mới có được những bước đi triển vọng, thành công.

Ông Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu cạnh tranh - nhận xét: Tinh thần khởi nghiệp cùng logistics của các bạn sinh viên rất “máu lửa”. Tuy nhiên, muốn khởi nghiệp thành công, cần phải có ý chí và khát vọng, niềm đam mê, từ đó quyết tâm theo đuổi và thực hiện niềm đam mê đó.

Ông Trần Trung Mạnh - Giám đốc điều hành FUTA Express, thành viên của FUTA Group - doanh nghiệp chuyên cung cấp các dịch vụ vận tải - cho rằng: Rào cản gia thị nhập thị trường logistics hiện nay rất thấp, đây là cơ hội rất tốt cho sinh viên định hướng khởi nghiệp khi ra trường. Tuy nhiên, công tác đào tạo chuyên ngành logistics tại Việt Nam chưa phát triển sâu rộng, môi trường cho sinh viên thực tập, trải nghiệm thực tế còn rất hạn chế. Các doanh nghiệp logistics của Việt Nam như FUTA để phát triển đã phải có cả trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chuyên ngành riêng cho lĩnh vực này.

“Cuộc tọa đàm này là rất hữu ích, cung cấp cho sinh viên những kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn mà những người làm logistics đã va đập, trải nghiệm mà chương trình đào tạo lý thuyết tại các trường đại học không có được” - ông Mạnh cho biết.

Nguyễn Việt Sơn - Sinh viên chuyên ngành logistics và chuỗi cung ứng, thuộc Trường Đại học Hàng Hải cho biết: Nguyện vọng của em khi ra trường sẽ khởi nghiệp thành lập doanh nghiệp làm chuỗi công nghệ logistics. Muốn làm được điều này cần phải học hỏi, tích lũy kiến thức, kinh nghiệm từ ngay khi còn trên ghế giảng đường. “Em biết cuộc tòa đàm này tình cờ thông qua tìm kiếm từ khóa “logistics” qua facebook, không bỏ lỡ cơ hội đã đến tham dự, đặt câu hỏi với các diễn giả. Có rất nhiều thông tin, kinh nghiệm thú vị, hữu ích các diễn giả đã chia sẻ trong quá trình học tập em không có điều kiện để nắm bắt được” - Nguyễn Việt Sơn chia sẻ.

Ngọc Quỳnh - Thu Phương