KHƠI THÔNG HÀNG HẢI CHO HÀNG HÓA XUẤT KHẨU

KHƠI THÔNG HÀNG HẢI CHO HÀNG HÓA XUẤT KHẨU

KHƠI THÔNG HÀNG HẢI CHO HÀNG HÓA XUẤT KHẨU

Ngày đăng: 01/09/2020

Tới đây, khoảng cách giữa ĐBSCL với các vùng cả nước sẽ rút ngắn hơn bằng các tuyến cao tốc nhưng hàng hóa xuất khẩu trực tiếp qua cảng biển vẫn là bài toán khó cho vùng. Doanh nghiệp (DN) xuất khẩu hàng hóa rất kỳ vọng vào luồng cho tàu vào các cảng trên Sông Hậu để đưa hàng hóa xuất đi các nước mà không cần trung chuyển lên TP Hồ Chí Minh.

 Khó khăn của doanh nghiệp

Theo thống kê của cơ quan chức năng, có tới 90% hàng hóa xuất nhập khẩu ra vào ÐBSCL được vận chuyển bằng đường biển, nhưng đến 80% lượng hàng này được xuất nhập khẩu thông qua cảng TP Hồ Chí Minh và Bà Rịa - Vũng Tàu. Có thể thấy, năng lực vận tải biển của vùng rất hạn chế, không chỉ làm yếu đi lợi thế phát triển, mà còn tạo thêm gánh nặng chi phí cho các DN. Song song đó, hệ thống logistics tại vùng hầu như chỉ mới giai đoạn khởi đầu, nên chưa thể thu hút DN gửi hàng hóa xuất nhập khẩu, hệ thống cảng chưa thể phát huy hết công năng.

Ông Trần Văn Quang, Chủ tịch Công ty TNHH Công nghiệp Thủy sản Miền Nam (Southvina) - Khu công nghiệp Trà Nóc, TP Cần Thơ, cho biết: “DN đang phải chống chọi với nhiều chi phí để duy trì sản xuất, thu nhập và bảo đảm đời sống, các chế độ chính sách cho người lao động. Bức xúc nhất và kéo dài từ lâu là vấn đề chi phí vận chuyển hàng hóa từ ÐBSCL lên TP Hồ Chí Minh để xuất đi nước ngoài. Là DN chế biến và xuất khẩu thủy sản, trong đó mặt hàng chủ lực là các sản phẩm cá tra, mỗi 1kg hàng đi TP Hồ Chí Minh phải mất 500 đồng. Tính ra 10 tấn sản phẩm cá tra tốn chi phí vận chuyển khoảng 5 triệu đồng. Ðường thủy chi phí rẻ hơn, nhưng gần như chưa phát huy được”.

Theo ông Quang, hàng chục năm nay DN phải chịu tốn kém chi phí vận chuyển lên TP Hồ Chí Minh để xuất hàng đi các nước, dù TP Cần Thơ có cảng Cái Cui, đủ năng lực để đón tàu lớn, nhưng luồng lạch còn khó khăn nên chưa thể phát huy hết khả năng của cảng này. “Nếu xuất trực tiếp và tàu vào cảng Cái Cui nhận hàng, chi phí DN đưa hàng từ công ty đến cái Cui chỉ khoảng 100-150 đồng/kg. Cứ 10 tấn hàng tốn chi phí vận chuyển cao nhất chỉ 1,5 triệu đồng, tiết kiệm được rất nhiều cho DN. Còn như tình hình hiện nay, mỗi năm DN mất hàng chục tỉ đồng chi phí vận chuyển” - ông Quang bày tỏ.

Tàu nhận hàng xuất khẩu tại cảng Cái Cui.

Công ty CP Cảng Cần Thơ hiện quản lý, khai thác 3 bến: Hoàng Diệu, Cái Cui và Sóc Trăng, năng lực bốc dỡ hàng hóa khoảng 5 triệu tấn/năm nhưng chưa thể khai thác hết công suất này. Cảng Cái Cui dù có năng lực tiếp nhận tàu 20.000 tấn đầy tải nhưng hiện tàu 10.000 tấn không thể cặp cảng do luồng vào cảng không đáp ứng yêu cầu.

Ông Lê Tiến Công, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Cảng Cần Thơ, cho biết: “Cảng Cần Thơ hiện có 2 nguồn hàng; trong đó 70% là hàng nội địa và 30% là hàng xuất nhập khẩu. Hiện đa phần hàng hóa xuất nhập khẩu đều trung chuyển qua hệ thống cảng ở TP Hồ Chí Minh, do tàu lớn không vào được cảng. Trong số 30% nhập và xuất khẩu trực tiếp do DN có hàng container mở tờ khai tại Cần Thơ, hoặc trung chuyển xuống Cần Thơ và tàu chỉ khoảng 5.000-7.000 tấn đầy tải có thể ra vào cảng Cái Cui. Ngoài ra, các tàu con nhập và xuất khẩu trực tiếp các mặt hàng như: mỡ cá xuất khẩu sang Trung Quốc; gỗ dăm, than củi, gạo… nhưng số lượng không lớn. Cụm cảng Cần Thơ đang chờ kênh Quan Chánh Bố để phát huy hiệu quả hoạt động, vì luồng Ðịnh An bồi lắng, tàu tải trọng lớn hơn 10.000 tấn không thể ra vào”.

Những kỳ vọng

Ông Trần Văn Quang cho rằng: “Các ngành chức năng và địa phương cần sớm xây dựng hoàn thiện trung tâm logistics cấp vùng ở TP Cần Thơ. Ðồng thời luồng vào cảng trên Sông Hậu phải đảm bảo cho các tàu trọng tải lớn ra vào để lấy hàng trực tiếp xuất khẩu thì mới mong giảm chi phí cho DN”.

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cũng vừa có công văn trả lời kiến nghị của UBND TP Cần Thơ về đầu tư hạ tầng giao thông cho vùng ÐBSCL và Cần Thơ. Theo Bộ GTVT, giai đoạn 1 dự án Luồng cho tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu (luồng Quan Chánh Bố) đã góp phần quan trọng nâng cao năng lực vận tải đường thủy của khu vực; góp phần giảm giá thành sản phẩm, giảm áp lực lên hệ thống đường bộ… Hiện nay, đoạn luồng dùng chung với Trung tâm Nhiệt điện Duyên Hải (Trà Vinh) đang được thực hiện nạo vét duy tu, đảm bảo tàu 10.000 tấn đầy tải, tàu 20.000 tấn giảm tải lưu thông thuận lợi. Bộ đang chỉ đạo các đơn vị hoàn thiện báo cáo và nghiên cứu, đề xuất cấp thẩm quyền cân đối, bố trí nguồn vốn trong kế hoạch trung hạn giai đoạn 2021-2025, sớm thực hiện Giai đoạn 2, đảm bảo tính ổn định, đồng bộ của Dự án, đảm bảo an sinh xã hội. Ðồng thời với luồng Quan Chánh Bố khai thác với tàu lớn theo thiết kế, tuyến luồng Ðịnh An được khai thác với tàu nhỏ để đảm bảo phát huy tối đa hiệu quả các khu bến cảng thuộc Cảng biển Cần Thơ như: bến cảng Cái Cui, Hoàng Diệu… Như vậy, với hướng đầu tư này, DN vùng ÐBSCL có thể giảm chi phí vận chuyển hàng hóa rất lớn.

Theo dự kiến năm nay, hàng hóa cảng Cần Thơ khoảng 2 triệu tấn (trong đó khoảng 20.000 TEU). Ðến thời điểm này có thể dự kiến năm nay kế hoạch vận chuyển hàng hóa đạt 90% sản lượng, riêng hàng TEU đạt 110%. Ông Lê Tiến Công cho biết: “Doanh thu năm nay có thể đạt 126 tỉ đồng, lợi nhuận 2-5 tỉ đồng. Cảng đã đầu tư thêm thiết bị bốc dỡ hàng hóa, cần cẩu, xe nâng… hy vọng sản lượng các tháng cuối năm sẽ tăng. Một số DN cũng đang đầu tư hệ thống kho, các silo tại cảng để chứa hàng cung ứng cho DN vùng ÐBSCL”.

Theo ông Lê Tiến Công, Công ty kỳ vọng ÐBSCL có thêm cảng nước sâu và được đầu tư đồng bộ với các vùng phụ trợ: hệ thống kho vận, khu công nghiệp, các quy hoạch hạ tầng thiết yếu đi kèm (hệ thống thu gom, chế biến, đóng gói và đưa đến cảng xuất khẩu)… để cảng phát huy công năng.

Bài, ảnh: GIA BẢO