NGÀNH TÀI CHÍNH TIẾP TỤC ĐẨY MẠNH CẢI CÁCH, TẠO THUẬN LỢI CHO DOANH NGHIỆP

NGÀNH TÀI CHÍNH TIẾP TỤC ĐẨY MẠNH CẢI CÁCH, TẠO THUẬN LỢI CHO DOANH NGHIỆP

NGÀNH TÀI CHÍNH TIẾP TỤC ĐẨY MẠNH CẢI CÁCH, TẠO THUẬN LỢI CHO DOANH NGHIỆP

Ngày đăng: 23/12/2020

Tham dự Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên (VBF) 2020 diễn ra sáng 22/12, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai đã trả lời một số vấn đề được các đại diện hiệp hội doanh nghiệp (DN) nêu liên quan đến lĩnh vực thuế, hải quan.

 Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai phát biểu tại VBF 2020. Ảnh: Gia Trung.

Rà soát, sửa đổi chính sách để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp

Trả lời về vấn đề của Nhóm Công tác Thuế và Hải quan nêu liên quan đến chính sách với DN chế xuất, với sản xuất và gia công hàng xuất khẩu, Thứ trưởng Vũ Thị Mai cho biết, Bộ Tài chính đang rà soát, sửa đổi Nghị định 134/2016/NĐ-CP hướng dẫn Luật Thuế xuất nhập khẩu để tháo gỡ các vướng mắc trong sản xuất và gia công hàng xuất khẩu mà các DN đã nêu. Các ý kiến DN đưa ra đã được Bộ Tài chính ghi nhận và sẽ nghiên cứu để sửa đổi, tạo điều kiện thuận lợi cho việc sản xuất, gia công hàng xuất khẩu, cũng như cho hoạt động của DN chế xuất.

Về thuế, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị định 126/2020/NĐ-CP hướng dẫn Luật Quản lý thuế, trong đó đã quy định về thời điểm áp dụng thoả thuận trước về phương pháp xác định giá tính thuế (APA). "Chúng tôi đã có quy định cụ thể. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc chúng tôi sẽ tiếp tục lắng nghe để sửa đổi phù hợp hơn, trong thời gian tới" - Thứ trưởng Vũ Thị Mai trả lời ý kiến của đại diện Hiệp hội DN Hoa Kỳ.

Tại diễn đàn, Thứ trưởng Vũ Thị Mai cũng cho biết, trong bối cảnh dịch bệnh xảy ra, Bộ Tài chính đã lắng nghe, tiếp thu các ý kiến, đề xuất của các DN, hiệp hội DN để từ đó ban hành thông tư hướng dẫn về C/O (chứng nhận xuất xứ hàng hóa), nhằm tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc về C/O do tình hình dịch bệnh.

"Các cải cách tiếp tục được thực hiện quyết liệt hơn nữa chứ không phải đã hài lòng và dừng lại ở đó. Bộ Tài chính cam kết với các DN, nhà đầu tư sẽ tiếp tục lắng nghe để tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, tiếp tục cải cách thời gian tới" - Thứ trưởng Vũ Thị Mai khẳng định.

Chia sẻ với những ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch bệnh Covid-19 đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của DN, Thứ trưởng Vũ Thị Mai cho biết, theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã chủ động nghiên cứu báo cáo cấp có thẩm quyền ban hành nhiều chính sách hỗ trợ DN.

Cụ thể, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành: Nghị định 41 về gia hạn nộp thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), thuế thu nhập cá nhân (TNCN); Nghị định 57 về giảm thuế suất thuế nhập khẩu với nhiều mặt hàng, nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN, thúc đẩy phát triển ngành nông nghiệp, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp ô tô; Nghị định 109 về gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước; Quyết định số 22 giảm 15% tiền thuê đất phải nộp…

Bộ Tài chính cũng đã trình Chính phủ, trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội ban hành: Nghị quyết 107 về tiếp tục miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đến hết năm 2025; Nghị quyết 116 về giảm 30% thuế TNDN phải nộp của DN nhỏ và vừa; Nghị quyết 954 về giảm trừ gia cảnh để giảm trừ nghĩa vụ thuế cho cá nhân; Nghị quyết 979 về giảm 30% thuế nhiên liệu bay…

Theo Thứ trưởng Vũ Thị Mai, Bộ Tài chính đã chủ trì, rà soát, nghiên cứu ban hành nhiều thông tư về miễn, giảm phí, lệ phí, với 31 khoản phí, lệ phí được miễn giảm. Tổng gói miễn, giảm, gia hạn cho đến hết tháng 11 là 100.000 tỷ đồng, dự kiến đến hết năm là 112.000 tỷ đồng, trong đó số thuế gia hạn là 84.000 tỷ đồng, số thuế miễn giảm là 28.000 tỷ đồng.

Sẽ tiếp tục miễn, giảm nhiều loại phí, lệ phí trong năm 2021

Bên cạnh đó, mặc dù dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhưng Bộ Tài chính vẫn tiếp tục đẩy mạnh cải cách để cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, ưu tiên cải cách thủ tục hành chính để tạo thuận lợi cho DN, nhất là trong lĩnh vực thuế, hải quan. Hiện nay, 100% các cơ quan thuế, hải quan đã áp dụng hệ thống kê khai thuế, hải quan điện tử. 99,3% DN đã khai thuế điện tử, 100% DN khai hải quan điện tử. Số thuế nộp điện tử đạt tỷ lệ trên 97%, hoàn thuế điện tử trên 90%...

Trong lĩnh vực hải quan, năm qua Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Ủy ban Chỉ đạo quốc gia về Cơ chế một cửa ASEAN (ASW), Cơ chế một cửa quốc gia (NSW) và tạo thuận lợi thương mại (Uỷ ban 1899) để kết nối các thủ tục. Đến nay, đã có 202/250 thủ tục kiểm tra chuyên ngành được kết nối trên hệ thống NSW, ASW, với 3,2 triệu hồ sơ và 40.000 DN.

"Chúng tôi cung cấp 90% thủ tục hải quan qua dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 3, 4. Với thủ tục thuế, tỷ lệ này là trên 50% và chúng tôi mong muốn đẩy mạnh tỷ lệ này lên cao hơn nữa" - Thứ trưởng Vũ Thị Mai cho biết. Đây là con số vượt xa so với mục tiêu Chính phủ đề ra cho các bộ ngành là đạt tối thiểu 30%.

Không dừng lại ở kết quả này, Bộ Tài chính đã chỉ đạo ngành Thuế, Hải quan tiếp tục hiện đại hoá. Vừa qua, ngành Hải quan đã triển khai Hệ thống quản lý giám sát hải quan tự động ở các cảng hàng không, kho bãi, đầu tiên là tại Cảng hàng không Nội Bài và tới đây sẽ triển khai rộng ở Cảng hàng không Tân Sơn Nhất cũng như các cảng hàng không khác. Đồng thời, ngành Hải quan đang tiến hành kết nối điện tử với một số nước ASEAN, với một số nước trong Liên minh kinh tế Á - Âu, như kết nối chứng từ kiểm dịch với New Zealand, kết nối C/O với Hàn Quốc…

Theo Thứ trưởng Vũ Thị Mai, thời gian tới, Bộ Tài chính cũng sẽ tiếp tục theo dõi sát tình hình thực tế để nghiên cứu, xây dựng và triển khai các giải pháp hỗ trợ tiếp theo phù hợp với diễn biến và mức độ ảnh hưởng tới DN.

Được biết, Bộ Tài chính đang rà soát để tiếp tục miễn giảm các loại phí, lệ phí trong 6 tháng đầu năm 2021./.

Dương An