THIẾU KHO BÃI, NHÂN LỰC, NGÀNH LOGISTICS HÀNG KHÔNG KHÓ 'CẤT CÁNH'

THIẾU KHO BÃI, NHÂN LỰC, NGÀNH LOGISTICS HÀNG KHÔNG KHÓ 'CẤT CÁNH'

THIẾU KHO BÃI, NHÂN LỰC, NGÀNH LOGISTICS HÀNG KHÔNG KHÓ 'CẤT CÁNH'

Ngày đăng: 03/10/2019

Ngân hàng "vay nóng" lẫn nhau 90.000 tỷ đồng mỗi ngày; Ngành hàng điện thoại xuất siêu hơn 26 tỷ USD; Tổng cục Hải quan chỉ đạo không cho nhập máy móc, thiết bị cũ, lạc hậu vào Việt Nam; Thiếu kho bãi, nhân lực, ngành logistics hàng không khó 'cất cánh'... là những tin tức kinh tế đáng chú ý

 Ngân hàng Nhà nước cho biết, mỗi ngày các ngân hàng giao dịch trên thị trường liên ngân hàng 90.000 tỷ đồng và có tới 90% giao dịch tập trung vào kỳ hạn qua đêm, 1 tuần.

Theo dữ liệu từ Ngân hàng Nhà nước, hiện lãi suất huy động bằng VND phổ biến ở mức 0,2-1%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 4,5-5,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 5,5-6,8%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn từ 12 tháng trở lên ở mức 6,6-7,5%/năm.

Ngân hàng vay nóng lẫn nhau 90.000 tỷ đồng mỗi ngày
Theo đó, lãi suất cho vay VND phổ biến ở mức 6-9%/năm đối với ngắn hạn; 9-11%/năm đối với trung và dài hạn.

Theo báo cáo của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài qua hệ thống báo cáo thống kê, doanh số giao dịch trên thị trường liên ngân hàng trong kỳ từ ngày 9-13/9 bằng VND đạt xấp xỉ 297.850 tỷ đồng, bình quân 59.570 tỷ đồng/ngày, tăng 412 tỷ đồng/ngày so với tuần từ ngày 3 - 6/9/2019.

Bên cạnh đó, doanh số giao dịch bằng USD quy đổi ra VND trong tuần đạt khoảng 152.744 tỷ đồng, bình quân 30.549 tỷ đồng/ngày, tăng 6.217 tỷ đồng/ngày so với tuần trước đó. Như vậy, nếu tính chung cả tiền đồng và USD (quy đổi ra VND) thì mỗi ngày các ngân hàng vay mượn nhau lên tới 90.000 tỷ đồng.

Theo kỳ hạn, các giao dịch VND chủ yếu tập trung vào kỳ hạn qua đêm (66% tổng doanh số giao dịch) và kỳ hạn 1 tuần (22% tổng doanh số giao dịch). Đối với giao dịch USD, các kỳ hạn có doanh số lớn nhất là kỳ hạn qua đêm và 1 tuần với tỷ trọng lần lượt là 71% và 19%.

Về lãi suất, đối với các giao dịch bằng VND, so với tuần trước, lãi suất bình quân liên ngân hàng trong tuần giảm ở hầu hết các kỳ hạn. Cụ thể, lãi suất bình quân kỳ hạn qua đêm, 1 tuần và 1 tháng giảm lần lượt 1,04%/năm, 1,01%/năm và 0,48%/năm xuống mức 3,2%/năm, 3,27%/năm và 3,94%/năm.

Đối với các giao dịch USD, lãi suất bình quân liên ngân hàng trong tuần dao động nhẹ so với mức lãi suất tuần trước ở hầu hết các kỳ hạn.

Thiếu kho bãi, nhân lực, ngành logistics hàng không khó 'cất cánh'

 

Tại TP HCM, Hiệp hội Logistics Việt Nam tổ chức hội nghị và triển lãm quốc tế "Air freight Logistics Vietnam - Hậu cần vận tải hàng không Việt Nam" lần 4-2019. Hội nghị có sự tham gia của hơn 400 doanh nghiệp, các chuyên gia trong lĩnh vực logistics hàng không trong nước và quốc tế.

Chia sẻ tại hội thảo, ông Nguyễn Công Bằng, Phó vụ trưởng - Vụ vận tải, Bộ Giao thông vận tải cho rằng thế giới thay đổi nhanh, biến đổi linh hoạt, cạnh tranh cao đặt ra nhiều thách thức và cơ hội cho vận tải hàng không Việt Nam, trong đó có ngành logistics hàng không. Hiện nay nước ta có 15 loại hình vận tải, đường hàng không chiếm tỷ phần khoảng 1,06% thị phần.

So với đường bộ, vận tải hàng không chiếm tỷ phần thấp. Tuy nhiên ngành hàng không chuyên vận chuyển hàng hóa giá trị cao, quãng đường dài trong thời gian nhanh nên vẫn mang lại giá trị lớn.

Dự đoán đến năm 2035, hàng không Việt Nam được đánh giá nằm trong 5 thị trường tăng trưởng nhanh nhất thế giới, là cơ hội cho hãng hàng không, doanh nghiệp logistics hàng không phát triển.

Tuy nhiên, logistics hàng không nước ta vẫn còn khó khăn và thách thức khi hiện tại Việt Nam chỉ có sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất có ga hàng hóa chuyên dụng.

"Hiện nhân lực được đào tạo phục vụ trong lĩnh vực logistics hàng không vẫn còn khan hiếm, cơ sở hạ tầng chưa phát triển đầy đủ. Vì thế dù Việt Nam rất có tiềm năng, nhưng để logistics hàng không phát triển bài bản cần phải có chiến lược lâu dài", ông Trần Thanh Hải, Phó vụ trưởng Vụ xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương nhận định.

Tham gia hội thảo, nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực logistics Việt Nam cũng chia sẻ những khó khăn, thách thức trong giai đoạn cách mạng 4.0 và cơ hội tham gia chuỗi logistics toàn cầu.

Ông Trần Tuấn Anh, chủ tịch HĐQT Tập đoàn ITL đánh giá thử thách lớn nhất là làm sao các doanh nghiệp logistics nội địa có thể tham gia vào chuỗi giá trị logistics toàn cầu.

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung mang lại cơ hội và thách thức cho Việt Nam. Ở lĩnh vực hàng không, Việt Nam đang sở hữu nhiều tiềm năng trở thành trung tâm hậu cần vận tải hàng không của Đông Nam Á. Vấn đề đặt ra hiện là làm thế nào để các đối tác quốc tế lớn chọn chúng ta chứ không phải các nước khác.

Ngành hàng điện thoại xuất siêu hơn 26 tỷ USD

Thông tin mới nhất của Tổng cục Hải quan, tổng kim ngạch xuất khẩu của nhóm hàng điện thoại đạt gần 36 tỷ USD, tăng nhẹ so với cùng kỳ, trong khi kim ngạch nhập khẩu vẫn giảm.

Cụ thể, 15 ngày đầu tháng 9, tổng kim ngạch xuất khẩu điện thoại và linh kiện đạt 2,5 tỷ USD, qua đó nâng tổng kim ngạch tính từ đầu năm đạt gần 35,9 tỷ USD, tăng 4,7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Liên quan đến thị trường xuất khẩu, cập nhật của Tổng cục Hải quan hết tháng 8 cho thấy 28 thành viên thuộc Liên minh châu Âu (EU) là thị trường xuất khẩu lớn nhất của nhóm hàng chủ lực này.

Cụ thể, hết tháng 8, kim ngạch xuất khẩu điện thoại và linh kiện sang EU đạt 8,41 tỷ USD, giảm 5,4%.

Ngoài ra, các thị trường lớn đáng chú ý như: Hoa Kỳ đạt trị giá 6,16 tỷ USD tăng 74,3%; Hàn Quốc đạt 3,39 tỷ USD, tăng 12,5%; Trung Quốc đạt 3,16 tỷ USD, giảm 24,2%...

Như vậy, trong 4 thị trường lớn kể trên Hoa Kỳ và Hàn Quốc có kim ngạch tăng mạnh trong khi EU và Trung Quốc ở chiều ngược lại.

Cũng liên quan đến mặt hàng điện thoại và linh kiện nhưng ở chiều nhập khẩu, thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan, tính từ đầu năm đến 15/9, cả nước chi 9,73 tỷ USD nhập khẩu nhóm hàng này, giảm khoảng 460 triệu USD so với cùng kỳ 2018.

Cập nhật theo thị trường trong 8 tháng đầu năm, Trung Quốc và Hàn Quốc vẫn là 2 thị trường chính cung cấp điện thoại và linh kiện cho Việt Nam với tổng trị giá đạt 8,26 tỷ USD, chiếm 92,1% tổng trị giá nhập khẩu của nhóm hàng này trong cùng thời điểm.

Trong đó, kim ngạch nhập từ Trung Quốc là 4,95 tỷ USD, giảm 5,2% so với cùng kỳ năm trước; nhập khẩu từ Hàn Quốc là 3,31 tỷ USD, giảm 4,2%.

Như vậy, hóm hàng điện thoại và linh kiện đang xuất siêu hơn 26 tỷ USD.

Tổng cục Hải quan chỉ đạo không cho nhập máy móc, thiết bị cũ, lạc hậu vào Việt Nam

Tổng cục Hải quan vừa ban hành văn bản yêu cầu các cục hải quan tỉnh, thành phố chỉ đạo các chi cục hải quan không làm thủ tục hải quan, thông quan đối với máy móc, thiết bị… cũ, lạc hậu nhằm tránh lợi dụng chính sách thu hút, ưu đãi đầu tư để đưa các loại máy móc này vào Việt Nam gây ô nhiễm.

Với văn bản này, Tổng cục Hải quan nêu rõ các chi cục hải quan không làm thủ tục hải quan, thông quan đối với máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng được xuất khẩu từ các nước đã công bố loại bỏ do lạc hậu, chất lượng kém, gây ô nhiễm môi trường hoặc không đáp ứng các yêu cầu về an toàn, tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.

Trường hợp phát hiện doanh nghiệp nhập khẩu vi phạm thì xử lý vi phạm theo quy định tại Nghị định 45/2016/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 127/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính trong lĩnh vực hải quan.

Tổng cục Hải quan cũng lưu ý các đơn vị khi kiểm tra chi tiết hồ sơ hải quan, yêu cầu người khai hải quan khai đầy đủ thông tin về tên hàng, chủng loại, nhãn mác, chất lượng, model, ký mã hiệu, năm sản xuất, nước xuất xứ, mã số HS mã văn bản pháp quy trên tờ khai hải quan điện tử; kiểm tra đối chiếu với bộ hồ sơ nhập khẩu.

Ngành hải quan sẽ tiến hành tra cứu danh mục máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng mà các nước đã công bố loại bỏ do lạc hậu, chất lượng kém, gây ô nhiễm môi trường do Bộ Khoa học và Công nghệ công bố trên cổng thông tin điện tử.

Bên cạnh đó, khi kiểm tra thực tế hàng hóa, ngành hải quan cũng lưu ý các đơn vị kiểm tra, xác định thông tin về tên hàng, chủng loại, nhãn hiệu, model, nước sản xuất, năm sản xuất, chất lượng (mới, cũ), các dấu hiệu đục sửa, tẩy xóa hoặc thay thế tem nhãn và ghi rõ kết quả kiểm tra theo các nội dung trên phiếu ghi kết quả kiểm tra.

Nếu nghi ngờ dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng không đáp ứng các tiêu chí, công chức thực hiện chụp ảnh toàn bộ lô hàng, niêm phong đồng thời lập biên bản ghi rõ các nội dung nghi vấn… và chuyển đến tổ chức giám định được Bộ Khoa học và Công nghệ chỉ định, thừa nhận.

Tổng cục Hải quan cũng nêu rõ: yêu cầu các cục hải quan tỉnh, thành phố chỉ đạo các chi cục hải quan tăng cường kiểm tra thực tế, kiểm soát chặt chẽ đối với máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ được xuất khẩu từ quốc gia không thuộc các nước G7, Hàn Quốc và có dấu hiệu chuyển dịch đầu tư sản xuất sang Việt Nam nhằm lợi dụng xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu hàng hóa đi nước ngoài để được hưởng chính sách về ưu đãi thuế quan.

                                                                                                                                                                                                                                                                         Nguyễn Hưng