THÚC ĐẨY HỢP TÁC HÀNG HẢI VÀ HẬU CẦN CẢNG BIỂN VIỆT NAM-HÀ LAN

THÚC ĐẨY HỢP TÁC HÀNG HẢI VÀ HẬU CẦN CẢNG BIỂN VIỆT NAM-HÀ LAN

THÚC ĐẨY HỢP TÁC HÀNG HẢI VÀ HẬU CẦN CẢNG BIỂN VIỆT NAM-HÀ LAN

Ngày đăng: 05/05/2021

Đại sứ Việt Nam tại Hà Lan Phạm Việt Anh khẳng định sẵn sàng đồng hành trong quá trình thúc đẩy hợp tác giữa STC và đối tác Việt Nam.

 Ngày 28/4, Đại sứ Việt Nam tại Hà Lan Phạm Việt Anh đã làm việc với Ban Quốc tế Tập đoàn Các trường Hàng hải và Giao thông vận tải Hà Lan (STC) tại thành phố Rotterdam.

Đại diện phía STC gồm ông Albert Bos, Giám đốc STC international; bà Sandra Van Putten, Giám đốc STC Nestra và ông Adson Hofman, Giám đốc STC khu vực Đông Nam Á.

(05.01) Toàn cảnh buổi làm việc giữa Đại sứ Việt Nam tại Hà Lan Phạm Việt Anh và đại diện của STC ngày 28/4 tại Rotterdam. (Nguồn: Đại sứ quán Việt Nam tại Hà Lan)

STC được hình thành trên cơ sở sáp nhập các trường đại học hàng hải Hà Lan năm 1990. Đến nay, STC đã trở thành tập đoàn hàng hải toàn cầu, với hơn 30 năm kinh nghiệm về giáo dục đào tạo, tư vấn và nghiên cứu ứng dụng trong lĩnh vực vận tải biển, cảng, vận tải, hậu cần và hoạt động dầu khí liên quan đến cảng.

Tập đoàn có các trường và trung tâm đào tạo trên toàn thế giới, tham gia đào tạo chính quy từ bậc đại học trở lên và đào tạo nghề.

STC đánh giá cao và xác định Việt Nam là một trong những đối tác quan trọng nhất. Sau 25 năm hợp tác với Việt Nam, STC đã mở 3 cơ sở đào tạo, nghiên cứu gồm Trung tâm STC Hà Nội, Trung tâm đào tạo hàng hải liên doanh với Đại học Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh (UT-STC), Trung tâm Tân Cảng STC, với định hướng hoạt động lâu dài.

STC đã đào tạo hàng nghìn học viên. Sau khi tốt nghiệp, khoảng 300 học viên của STC đã được tuyển vào các đội tàu Hà Lan và quốc tế, trong đó có một thuyền trưởng đội tàu quốc tế. Trong giai đoạn 2018-2021, STC có khoảng 12 hoạt động/dự án đã và đang triển khai với Việt Nam.

Phát biểu tại buổi làm việc, Đại sứ Phạm Việt Anh đã trao đổi với STC về đề xuất hợp tác của nhiều cơ quan liên quan thuộc Bộ Giao thông Vận tải Việt Nam. Đại sứ đánh giá cao thế mạnh về hàng hải của Hà Lan, thành tựu của STC cũng như vai trò của Tập đoàn trong quan hệ hợp tác về hàng hải giữa hai nước.

Đại sứ khẳng định sẵn sàng đồng hành trong các quan hệ của STC và đối tác Việt Nam, mở rộng và đưa quan hệ đi vào chiều sâu, góp phần hỗ trợ Việt Nam phát huy thế mạnh của quốc gia ven biển giàu tiềm năng nhưng cũng đối mặt với nguy cơ biến đổi khí hậu.

Hợp tác hàng hải - hậu cần cảng biển là lĩnh vực mà Hà Lan có rất nhiều thế mạnh. Hà Lan đã giúp đào tạo nhiều chuyên gia cũng như nhân lực kỹ thuật cao của Việt Nam trong lĩnh vực này. Ngoài STC, các tập đoàn Hà Lan khác như Royal Haskoning, Damen, Boskhalis cũng đã và đang tham gia trong liên doanh đầu tư triệu USD với đối tác Việt Nam.

(05.01) Đại sứ Việt Nam tại Hà Lan Phạm Việt Anh và đại diện của STC chụp ảnh sau buổi làm việc ngày 28/4 tại Rotterdam. (Nguồn: Đại sứ quán Việt Nam tại Hà Lan)

Thời gian qua, Việt Nam đã trở thành quốc gia có thu nhập trung bình và Hà Lan đã cắt giảm nguồn kinh phí tài trợ nói chung và tài trợ cho giáo dục và đào tạo nói riêng.

Trong bối cảnh đó, STC đã nỗ lực khắc phục khó khăn, tiếp tục thúc đẩy hợp tác. Đây có thể coi là một trong những điểm sáng tạo trong hợp tác song phương, thể hiện nỗ lực của Việt Nam và Hà Lan, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững do Liên hợp quốc đề ra.

Tuy nhiên, để hợp tác ngày càng hiệu quả, STC mong muốn hai bên xây dựng những khuôn khổ pháp lý, như ý định thư hay thỏa thuận hợp tác được ký kết giữa các cơ quan hữu trách, tạo cơ sở cho các công ty, tập đoàn, đơn vị nghiên cứu phát huy kết quả hiện nay.

Đại sứ Phạm Việt Anh tin tưởng rằng với nỗ lực của STC và vai trò tích cực của Đại sứ Hà Lan tại Việt Nam, hợp tác về hàng hải, hậu cần song phương sẽ tiếp tục được đẩy mạnh trong thời gian tới.

(theo Đại sứ quán Việt Nam tại Hà Lan)