Thu nộp phí và lệ phí hải quan

Thu nộp phí và lệ phí hải quan

Thu nộp phí và lệ phí hải quan

Ngày đăng: 07/01/2019

Thu nộp phí và lệ phí hải quan. Thực hiện chủ trương hạn chế sử dụng tiền mặt trong thanh toán, ngành Hải quan đã triển khai thu nộp thuế XNK bằng hình thức điện tử. Tuy nhiên DN và người dân lại đang gặp khó trong việc thu nộp phí và lệ phí hải quan.

 

Thu nộp phí và lệ phí hải quan

Thu nộp phí và lệ phí hải quan tại cửa khẩu Móng Cái, Cục Hải quan Quảng Ninh. Ảnh: T.Trang.

Nên thực hiện song song 2 hình thức

Thông tư số 274/2016/TT-BTC ngày 14/11/2016 của Bộ Tài chính quy định việc thu, nộp, quản lý và sử dụng phí hải quan và lệ phí hàng hóa, phương tiện quá cảnh như sau: Phí hải quan là 20.000 đồng/tờ khai, lệ phí hải quan đối với hàng hóa quá cảnh (khai báo vận chuyển độc lập) là 200.000 đồng/tờ khai. Người nộp phí, lệ phí có thể nộp từng lần hoặc nộp theo tháng theo quy định như trước đây. Thông tư cũng quy định rõ, muốn nộp theo tháng người nộp phí phải đăng ký với tổ chức thu phí về việc nộp phí theo tháng. Người nộp phí, lệ phí thực hiện nộp phí, lệ phí bằng tiền mặt trực tiếp chơ cơ quan Hải quan hoặc chuyển khoản vào tài khoản tiền gửi của cơ quan Hải quan mở tại Kho bạc Nhà nước hoặc tài khoản của tổ chức được ủy nhiệm thu tại ngân hàng thương mại.

Triển khai quy định trên, tại hải quan các tỉnh thành phố, tùy thuộc vào từng địa bàn cụ thể, từng đối tượng cụ thể đã có những cách thu nộp phí và lệ phí hải quan khác nhau, đơn cử như tại Cục Hải quan Đồng Nai đã phối hợp với ngân hàng VIBank- Chi nhánh Đồng Nai thực hiện thu phí hải quan thông qua hệ thống EDC bằng hình thức quẹt thẻ thanh toán phí hải quan qua máy POS thay cho việc thu bằng tiền mặt.

Còn tại các đơn vị hải quan khác hầu hết thu phí và lệ phí hải quan bằng tiền mặt chủ yếu thực hiện với các DN không thường xuyên làm thủ tục hải quan tại địa bàn và người dân chở thuê cho các đơn vị XNK. Đối với đối tượng này, việc thu tiền mặt phí hải quan sẽ tạo thuận lợi cho DN làm thủ tục được nhanh chóng và thuận tiện hơn việc thu qua ngân hàng thương mại.

Các DN thường xuyên hoạt động XNK trên địa bàn thường đăng ký hình thức nộp theo tháng qua các ngân hàng thương mại vì số lượng tờ khai đăng ký hàng tháng rất nhiều.

Tuy nhiên, tại một số địa bàn ít sôi động, những cửa khẩu quốc tế đường bộ như Gia Lai- Kon Tum, Quảng Trị, Quảng Bình, Cao Bằng, Hà Giang hoặc một số Chi cục Hải quan nằm tại vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn, không có chi nhánh của ngân hàng và Kho bạc như: Chi cục Hải quan cửa khẩu quốc tế Na Mèo (Cục Hải quan Thanh Hóa), Chi cục Hải quan cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn (Cục Hải quan Nghệ An) thì việc thực hiện nộp phí và lệ phí gần như chỉ bằng tiền mặt tại nơi làm thủ tục hải quan.

Vì vậy, theo nhận định của hải quan các tỉnh, thành phố này, nếu quy định hạn chế thu phí hải quan bằng tiền mặt sẽ gây khó khăn cho việc nộp phí và lệ phí hải quan của cộng đồng DN và người dân trong hoạt động XNK, nhất là những DN không thường xuyên làm thủ tục tại 1 địa bàn hoạt động của hải quan. Hơn thế nữa, nếu chỉ vì nộp phí, lệ phí hải quan cho vài tờ khai thông qua ngân hàng thì DN phải chịu thêm khoản phí chuyển tiền và mất thêm thời gian qua ngân hàng.

Theo đó, một số đơn vị đề xuất vẫn thực hiện song song 2 hình thức thu phí và lệ phí hải quan bằng tiền mặt và bằng chuyển khoản qua ngân hàng. Còn nếu vẫn thực hiện áp dụng không thu phí, lệ phí hải quan bằng tiền mặt thì cần phối hợp với các ngân hàng phối hợp thu lắp đặt máy POS tại trụ sở cơ quan Hải quan nơi thu phí và lệ phí hải quan nhằm đáp ứng nhanh chóng việc thu phí và lệ phí.

Gặp khó khăn khi quản lý nợ lệ phí

Phản ánh gặp khó trong việc quản lý thu lệ phí hải quan, Hải quan Đồng Nai cho biết, đơn vị này đang gặp khó trong việc thu phí hải quan đối với trường hợp DN không làm thủ tục hải quan thường xuyên bán hàng cho DN chế xuất và gửi hàng vào kho ngoại quan, hệ thống phân luồng Xanh, DN không phải đến cơ quan Hải quan, vì vậy không nộp phí hải quan dẫn đến trên hệ thống quản lý nợ của đơn vị này đang treo một khoản nợ về phí hải quan phải thu

Theo phản ánh của một số hải quan địa phương, đối với trường hợp DN không nộp phí hải quan dẫn đến cơ quan Hải quan phải theo dõi nợ và phải thực hiện đôn đốc thu nộp (có trường hợp DN chỉ nợ một vài tờ khai với số tiền nhỏ chỉ khoảng 20.000, 40.000, 60.000 đồng, trong khi đó chi phí gửi thông báo đốc thu qua bưu điện mỗi lần mất khoảng 6.000 đồng).

Hơn thế nữa, hiện nay chưa có chế tài nào xử lý việc chậm nộp hoặc không nộp lệ phí hải quan, bởi quy định hiện hành cũng không thực hiện cưỡng chế, không có chế tài xử phạt trong trường hợp DN không nộp hoặc nợ lệ phí hải quan. Vì vậy, một số ý kiến cho rằng, nếu hạn chế thu tiền mặt đối với lệ phí hải quan sẽ dẫn đến số nợ phí và lệ phí hải quan tăng cao, cơ quan Hải quan khó thực hiện thu đòi khoản phí này.

Một số ý kiến đề xuất Bộ Tài chính cần đưa ra chế tài xử lý các trường hợp chậm nộp và không nộp lệ phí hải quan. Bên cạnh đó, một số ý kiến khác cho rằng, cần thiết lập hệ thống công nghệ thông tin (thông quan tờ khai, kế toán tập trung) chỉ cho phép thông quan khi DN đã nộp phí hải quan đầy đủ, bao gồm cả luồng Xanh.