VẬN TẢI BIỂN TRÔNG CHỜ SỰ PHỤC HỒI SAU DỊCH

VẬN TẢI BIỂN TRÔNG CHỜ SỰ PHỤC HỒI SAU DỊCH

VẬN TẢI BIỂN TRÔNG CHỜ SỰ PHỤC HỒI SAU DỊCH

Ngày đăng: 27/05/2020

Do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, hoạt động vận tải biển đã gần như bị tê liệt khi có rất ít nhu cầu được chuyên chở. Giá cước vận tải giảm sâu, hàng hóa xuất nhập khẩu giảm cũng dẫn đến nhu cầu vận tải giảm theo… Dự kiến trong quý II, tình hình sẽ khả quan hơn.

 

 Việc dỡ bỏ các lệnh cấm tại một số quốc gia sẽ kéo theo nhu cầu vận chuyển hàng hóa gia tăng. Ảnh: ST

Neo tàu chờ hàng

Báo cáo tài chính quý I của Công ty Cổ phần Vận tải biển Việt Nam (Vosco) cho thấy, quý I/2020 Vosco ghi nhận doanh thu thuần đạt 343 tỷ đồng giảm 18,4% so với cùng kỳ. Kinh doanh dưới giá vốn khiến Vosco lỗ gộp 24,6 tỷ đồng, cao hơn mức lỗ gộp cùng kỳ. Trong quý I, do chi phí tài chính tăng cao gấp hơn 2 lần lên 40,5 tỷ đồng nên sau khi trừ các khoản chi phí trong quý I, Vosco đã phải báo lỗ 86,4 tỷ đồng cao gấp gần 2 lần mức lỗ quý I/2019.

Theo ông Vũ Trường Thọ, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp Vosco, trong quý I/2020, thị trường vận tải biển vô cùng khó khăn do ảnh hưởng của những kỳ nghỉ lễ, tết dài ngày và dịch bệnh Covid-19. Nửa đầu quý I, khi dịch bệnh bùng phát ở Trung Quốc – thị trường chủ chốt của khu vực, hoạt động vận tải biển tại đây gần như tê liệt và có rất ít nhu cầu chuyên chở, khiến cho giá cước giảm sâu không chỉ đối với các tuyến đi và đến Trung Quốc mà còn trên phần lớn các tuyến vận tải khác. Sau đó khi tình hình dịch bệnh phức tạp hơn, trở thành đại dịch và lan ra gần như toàn thế giới, các quốc gia đã có những hành động mạnh để đối phó trong đó có việc phong tỏa các thành phố, cảng biển làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động vận tải biển.

“Tình trạng hàng hóa khan hiếm và cước rất thấp kéo dài trong cả quý I dẫn đến việc doanh thu của Công ty đã giảm so với cùng kỳ. Trong khi đó, từ ngày 1/1 theo quy định của Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO), các tàu phải chuyển sang sử dụng dầu có hàm lượng lưu huỳnh thấp (low sulphur). Trong tháng 1, giá dầu low sulphur đã tăng rất cao, sau đó có giảm nhưng không bù được sự sụt giảm về doanh thu nên đã ảnh hưởng lớn đến hiệu quả kinh doanh của các tàu. Ngoài ra, trong quý I, Công ty còn bị lỗ do chênh lệch tỷ giá…”, ông Thọ cho biết thêm.

Không chỉ riêng Vosco, nhiều doanh nghiệp vận tải biển cũng phải đối mặt với nhiều tác động từ dịch Covid-19. Hiện đội tàu của Vinalines gồm 70 chiếc, hoạt động cả nội địa và quốc tế, nhiều tàu chạy hàng khu vực xa như châu Mỹ, châu Phi…, nhưng 3 tháng qua không có đơn hàng chạy về hay hai chiều, mà chủ yếu dừng neo chờ.

Trong quý I, sản lượng hàng thông qua cảng của nhóm cảng chi phối của Vinalines ước đạt hơn 16,6 triệu tấn, bằng 96% so với cùng kỳ năm ngoái. Thực trạng đó khiến doanh thu hợp nhất của Vinalines chỉ bằng 78% so với cùng kỳ năm trước, đạt hơn 2.200 tỷ đồng. Vinalines lỗ hơn 111 tỷ đồng trong 3 tháng đầu năm 2020.

Phụ thuộc vào sự kiểm soát dịch

Theo nhận định của một số doanh nghiệp vận tải biển, do nhiều nhà máy phải tạm ngưng hoạt động nên lượng hàng hóa cần lưu chuyển ít đi dẫn đến việc vận chuyển và giao nhận hàng hóa trong chuỗi cung ứng cũng giảm, ảnh hưởng lớn đến hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ vận tải biển. Đánh giá về khả năng phục hồi của thị trường vận tải biển trong thời gian tới, cùng với việc dịch bệnh đang được khống chế tại nhiều quốc gia thì việc dỡ bỏ các lệnh cấm tại một số quốc gia sẽ kéo theo nhu cầu vận chuyển hàng hóa gia tăng. Theo đó, các tuyến tàu từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, các hãng tàu như ONE, HMM và một số hãng tàu khác sẽ khôi phục lại được các tuyến tàu nối tuyến.

Theo ông Nguyễn Tương, Phó Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp logistics Việt Nam (VLA), trường hợp dịch bệnh được kiểm soát tốt thì cơ hội phục hồi của các doanh nghiệp vận tải biển là rất lớn khi hàng hóa xuất nhập khẩu trên các tuyến về Việt Nam sẽ gia tăng, một số thị trường sẽ nới lỏng vấn đề kiểm dịch, các thủ tục vận chuyển sẽ dễ dàng hơn. Hoạt động sản xuất sẽ dần khôi phục kéo theo đó là sự vận chuyển của tất cả các ngành có liên quan trong đó có vận tải biển.

Dự kiến, trong quý II, Vinalines sẽ là tiếp tục thanh lý, “trẻ hóa” đội tàu, chuyển hướng đầu tư bằng việc thuê, mua tàu để khai thác khi thị trường thuận lợi, tiến tới tham gia các liên minh về vận tải biển quốc tế để hiện diện là một đơn vị trung chuyển hàng container trong khu vực.

Đặc biệt, Vinalines sẽ cơ cấu vốn đầu tư, tập trung vào những lĩnh vực kinh doanh cốt lõi, đầu tư cơ sở hạ tầng cảng biển mới, các trung tâm phân phối logistics, cảng cạn ICD… để phát triển tối đa dịch vụ tích hợp (vận tải biển – cảng biển – dịch vụ hàng hải); trong đó tập trung kết nối đến các cảng nước sâu Cái Mép – Thị Vải, Lạch Huyện; đưa công nghệ thông tin trở thành xương sống, “số hóa” từ khai thác đội tàu, kho bãi, cảng biển đến quản lý logistics, từng bước hình thành dịch vụ chuỗi cung ứng toàn cầu để thu hút khách hàng, đưa doanh thu của nhóm dịch vụ logistics chiếm tỷ trọng lớn trong tổng doanh thu của toàn Tổng công ty.

Xuân Thảo