VÌ SAO VIETJET LẠI TĂNG THÊM MÁY BAY KHI NGÀNH HÀNG KHÔNG GẶP KHÓ KHẮN

VÌ SAO VIETJET LẠI TĂNG THÊM MÁY BAY KHI NGÀNH HÀNG KHÔNG GẶP KHÓ KHẮN

VÌ SAO VIETJET LẠI TĂNG THÊM MÁY BAY KHI NGÀNH HÀNG KHÔNG GẶP KHÓ KHẮN

Ngày đăng: 29/06/2020

Theo CEO Vietjet Nguyễn Thị Phương Thảo, nếu có kế hoạch và năng lực, đây là thời điểm có thể nhận thêm tàu bay với điều kiện thương mại tốt khi nhiều hãng phải giãn đầu tư.

Kế hoạch phát triển, định hướng của Vietjet Air sau giai đoạn khó khăn vì Covid-19 là chủ đề chính được các nhà đầu tư quan tâm tại đại hội đồng cổ đông thường niên 2020 công ty tổ chức ngày 27/6.

Ví von giai đoạn vừa qua như thời tiết “đại nhiễu động”, Giám đốc điều hành Vietjet Lưu Đức Khánh cho biết áp lực hiện nay với ban điều hành công ty không nhỏ. Tuy nhiên, ông Khánh cho rằng nhờ vào khả năng quản lý rủi ro tốt, Vietjet đã đi qua dịch bệnh.

Tiếp tục phát triển doanh thu phụ trợ

Trả lời câu hỏi về cơ sở xây dựng kế hoạch kinh doanh năm 2020 với kỳ vọng đạt lợi nhuận hợp nhất trước thuế 100 tỷ trong khi nhiều hãng hàng không dự kiến lỗ nặng, Tổng giám đốc Vietjet Nguyễn Thị Phương Thảo cho biết công ty phấn đấu có lãi dù con số thấp hơn rất nhiều so với những năm trước.

Theo bà, cơ sở lập kế hoạch của Vietjet dựa trên hai yếu tố chính là nguồn lực tích lũy và sự hỗ trợ của Chính phủ với ngành hàng không.

Lãnh đạo Vietjet cho biết luôn quản trị dòng tiền chặt chẽ, với các chỉ số tài chính duy trì trong nhóm tốt nhất của ngành như chỉ số nợ vay trên vốn chủ sở hữu chỉ đạt 0,69 trong khi mức bình quân là 3-5. Công ty duy trì lượng tiền mặt ở mức cao, khoảng 200-300 triệu USD.

Về thị trường hàng không, mạng bay nội địa đã hồi phục hoàn toàn, thậm chí số chuyến bay hiện tại cao hơn cùng kỳ năm trước. Các đường bay quốc tế vẫn trong giai đoạn chờ nối lại nhưng hãng đang chuẩn bị nguồn lực để khai thác ngay khi điều kiện cho phép.

Tổng giám đốc Vietjet Nguyễn Thị Phương Thảo phát biểu tại đại hội cổ đông 2020. Ảnh: VJC.

Tổng giám đốc Vietjet Nguyễn Thị Phương Thảo phát biểu tại đại hội cổ đông 2020. Ảnh: VJC.

Công ty cũng tiếp tục phát triển doanh thu phụ trợ để tăng hiệu quả lợi nhuận. Đây là hoạt động không làm phát sinh thêm chi phí vận hành nhưng tạo thêm nguồn thu đáng kể cho Vietjet. Tỷ lệ doanh thu phụ trợ trên doanh thu vận tải hàng không của Vietjet năm 2019 đã vượt 30%.

Hãng hàng không giá rẻ này đang tăng cường hoạt động chuyên chở hàng hóa. Trên các mạng bay nội địa, mỗi ngày bình quân hãng vận chuyển hàng trăm tấn hàng hóa. Việc chở hàng đi quốc tế được duy trì trong suốt thời gian dịch, không bị dừng lại như chở khách.

Theo bà Thảo, việc Vietjet bắt đầu tự phục vụ mặt đất ở cảng hàng không quốc tế Nội Bài và sẽ tiếp tục triển khai ở một số sân bay khác sẽ là yếu tố giúp hãng chủ động hơn, có nhiều nhiều điều kiện tiếp tục tăng trưởng doanh thu phụ trợ.

Với cơ quan quản lý, lãnh đạo Vietjet đánh giá các ngành chức năng đang có nhiều động thái hỗ trợ ngành hàng không như dự kiến giảm nhiều loại thuế, phí cho các hãng bay; thúc đẩy những dự án hạ tầng sân bay quan trọng như nhà ga T3 Tân Sơn Nhất, Long Thành.

“Chúng ta có thị trường nội địa mạnh, phát triển, có khả năng quản lý, kiểm soát chủ động, linh hoạt và an toàn. Đây là cơ sở tốt để các hãng, đặc biệt là Vietjet phát triển trong thời đại mới”, CEO Nguyễn Thị Phương Thảo chia sẻ với cổ đông.

Thời điểm thuận lợi để tăng tàu bay

Tại đại hội, ban điều hành Vietjet cho biết đến cuối năm nay, hãng dự kiến nâng số lượng tàu bay khai thác lên 90 so với con số 78 của năm 2019.

Vietjet dự kiến tăng thêm 12 tàu bay trong năm nay. Ảnh: VJA.

Tổng giám đốc Vietjet chia sẻ hãng đang tiến hành trao đổi và thương lượng với Airbus để nhận tàu bay trong giai đoạn các hãng hàng không khác hạn chế đầu tư, giãn kế hoạch nhận tàu bay.

Bà Thảo cho biết năm 2019 hãng phải thuê ướt 10 tàu bay vì nhà sản xuất không giao hàng kịp, không đáp ứng được nhu cầu khai thác của Vietjet. Do đó, sau khi điều chỉnh chính sách với các đơn vị cung cấp tài chính, hãng có thể chủ động nhận tàu bay để được hưởng các điều kiện thương mại tốt, chủ động việc khai thác.

“Đây là giai đoạn thuận lợi, phù hợp để mua, sở hữu những tàu bay chất lượng, hiện đại với điều kiện tốt. Chúng ta không những không dừng mà vẫn phát triển thêm”, tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo chia sẻ.

Trước đó, hai hãng hàng không Việt Nam khác cũng có những động thái tương tự. Vietnam Airlines đề xuất được đẩy nhanh dự án mua thêm 50 máy bay thân hẹp để đón đầu xu thế phục hồi sau dịch. Lãnh đạo Bamboo Airways tuyên bố vẫn tăng số lượng máy bay lên ít nhất tổng cộng 40 chiếc trong năm 2020.

Tổng hợp và biên soạn: PQH (Theo: zingnews.vn)