VIỆT NAM CẦN XÂY DỰNG TRUNG TÂM LOGISTICS

VIỆT NAM CẦN XÂY DỰNG TRUNG TÂM LOGISTICS

VIỆT NAM CẦN XÂY DỰNG TRUNG TÂM LOGISTICS

Ngày đăng: 13/05/2019

THỜI CƠ VÀ THÁCH THỨC Logistics được du nhập vào VN khoảng 20 năm nay. Mặc dù thu nhập từ logistics hiện đang còn thấp khoảng 2-4% GDP/năm (số còn lại khoảng 80% nằm trong tay các công ty đa quốc gia nước ngoài). Nhưng logistics có tốc tăng trưởng khá nhanh 20-25%/năm.


THỜI CƠ VÀ THÁCH THỨC

Logistics được du nhập vào VN khoảng 20 năm nay. Mặc dù thu nhập từ logistics hiện đang còn thấp khoảng 2-4% GDP/năm (số còn lại khoảng 80% nằm trong tay các công ty đa quốc gia nước ngoài). Nhưng logistics có tốc tăng trưởng khá nhanh 20-25%/năm. Đây là ngành có vai trò không thể thiếu trong sản xuất, lưu thông và phân phối trên thế giới, đồng thời cũng là động lực thúc đẩy cảng biển, kinh tế biển phát triển hài hòa và bền vững, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế xã hội của một quốc gia. Hoạt động logistics chiếm từ 10-15% GDP/năm tại các quốc gia phát triển châu Âu, Bắc Mỹ và châu Á–Thái Bình Dương.
Xu hướng phát triển logistics trong thế kỷ này là toàn cầu hóa trên cơ sở ứng dụng CNTT hiện đại, thương mại điện tử, sử dụng rộng rãi phương pháp quản lý logistics kéo (pull) để thay thế dần phương pháp đẩy (push) truyền thống (theo quan điểm quản lý hậu cận) nhằm mục tiêu là tạo giá trị gia tăng để hạ giá thành vận tải và mở rộng việc thuê dịch vụ từ những công ty logistics chuyên nghiệp. Trong tình hình kinh tế thế giới bị khủng hoảng chưa có dấu hiệu hồi phục và kinh tế vĩ mô của đất nước đang gặp khó khăn từ nguy cơ lạm phát, thì việc cân nhắc giữa thời cơ thuận lợi và thách thức khó khăn để phát triển một ngành kinh tế mới là việc làm cẩn trọng. Do đó chúng ta nên xem xét đến những yếu tố này trước khi đưa ra quyết định nào đó liên quan. Thời cơ Tuy thời cơ và thách thức đan xen nhau trong quá trình phát triển. Nhưng yếu tố cơ bản về thời cơ và thuận lợi luôn đứng về phía logistics VN. Ngoài xu hướng tiếp tục mở rộng ngành logistics thế giới ra toàn cầu, thì VN là thị trường được quan tâm và là mảnh đất màu mỡ để phát triển logistics những thập niên đến.

VN đã xây dựng được hệ thống cảng biển nước sâu quốc gia (nhóm cảng biển số 5), đang đi vào vận hành với ưu thế về trang bị kỹ thuật xếp dỡ hiện đại, CNTT tiên tiến kết nối toàn cầu, loại bỏ hoàn toàn thế yếu trước đây là hàng xuất nhập khẩu của chúng ta phải chuyển tải ở một số cảng lớn Đông Nam Á. Nay mở tuyến hàng hải thẳng đến châu Âu và Bắc Mỹ, rút ngắn thời gian hành trình của tàu biển và thời gian lưu chuyển hàng hóa, đó là chưa nói đến những yếu tố tâm lý, ngoại giao… được giải tỏa.
Phát triển container dự kiến đạt 17%/năm và kim ngạch xuất khẩu quốc gia được nâng lên đến 500 tỷ USD vào những năm tới. Song song, giá thành vận tải biển được hạ ngang bằng với mặt bằng thế giới (chi phí vận tải hiện nay chiếm từ 40-60% toàn bộ chi phí logistics của VN), ổn định và xây dựng logistics thành một ngành quan trọng ở VN, có mức đóng góp 15% GDP quốc gia/năm. Thách thức Mặc dù, VN đã có từ 1000-1200 DN kinh doanh logistics (nhiều hơn Singapore và Thái Lan) nhưng chỉ có 80% DN có vốn đăng ký từ 1-1,5 tỷ đồng, một con số quá khiêm tốn nói lên sự yếu kém về vốn liếng cũng như lý giải vì sao trên sân nhà mà VN chỉ mới chiếm 20-25% thị phần logistics. Từ đó, cần nhìn nhận là hoạt động logistics VN rất manh mún, nhỏ lẻ, mạnh ai nấy lo, thiếu sự liên kết đồng bộ mang tính chuyên nghiệp, nên chỉ giới hạn ở việc cung cấp những dịch vụ, như: giao nhận, lưu kho bãi, kiểm đếm, làm thủ tục thông quan, vận tải đường ngắn… nói cách khác là làm thuê, thầu gia công lại logistics 3PL cho nước ngoài. Mặt khác do kết cấu hạ tầng giao thông vừa mới được đầu tư nâng cấp hoặc làm mới, chưa đáp ứng đủ nhu cầu, cũng như cơ chế, chính sách và hành lang pháp lý vẫn chưa thông thoáng đang chờ sự tháo gỡ từ tầm vĩ mô. Đương nhiên, cũng gây nhiều khó khăn khi thực thi, trong lúc tiềm năng đang còn lớn chưa khai thác hết. Tuy nhiên, nếu kéo dài tình trạng này sẽ bất lợi cho việc phát triển cảng biển VN, ảnh hưởng đến ngành kinh tế biển. Biện pháp khả thi chính là tiếp tục đầu tư theo khả năng và hoàn cảnh cho phép với sự dung hòa lợi ích Nhà nước và những DN làm logistics ở VN để xây dựng hệ thống trung tâm logistics trên những địa bàn cần thiết nhằm hỗ trợ cho logistics đứng vững và đi lên hội nhập.

HÌNH THÀNH TRUNG TÂM LOGISTICS

Trung tâm Logistics là gì? Trung tâm Logistics là một khu vực bao gồm mọi hoạt động liên quan đến vận tải, logistics và phân phối hàng hóa nội địa cũng như quốc tế, thực hiện bởi nhiều chủ thể khác nhau. Trung tâm Logistics phải được trang bị những máy móc, thiết bị phục vụ cho các hoạt động Logistics, các hoạt động vận tải của đa phương thức vận tải, được kết nối thuận lợi với những cảng biển khu vực, trên toàn cầu bằng CNTT hiện đại, bảo đảm thông tin hai chiều, thu và nhận dữ liệu qua cổng thông tin điện tử (EDI – Electronic Data Interchange). Về chức năng, có thể phân chia trung tâm thành 3 phần: • Chức năng phục vụ hàng hóa, như: Xếp dỡ, lưu kho bãi, bảo quản, đóng gói, dán nhản, phân loại hàng hóa, làm sạch, và kiểm định chất lượng hàng hóa. • Chức năng vận tải và phân phối, như: Chuyên chở, thu gom, phân phối hàng hóa bằng các phương tiện vận tải khác nhau. • Chức năng hỗ trợ, như: Thông quan, thủ tục, giấy tờ, tư vấn, tài chính, bảo hiểm, sửa chữa – bảo dưỡng phương tiện vận tải, cung cấp xăng dầu, nơi ăn nghỉ cho đối tác, khách hàng. Về cơ cấu bộ máy theo qui trình công nghệ hoạt động, gồm có 5 trung tâm nhỏ (hay gọi là bộ phận phục vụ), như: Bộ phận phục vụ hàng hóa, bộ phận phục vụ các phương tiện vận tải, bộ phận phục vụ dịch vụ logistics, bộ phận thông tin và các cơ quan, DN cung cấp dịch vụ khác nhau (các cơ quan chức năng Nhà nước, các chi nhánh ngân hàng thương mại, các công ty bảo hiểm và đại lý bảo hiểm, các công ty kinh doanh dịch vụ đánh giá chất lượng và kiểm đếm hàng, các công ty môi giới, đại lý, tư vấn…)

Theo quy mô và vai trò có thể chia thành 5 cấp Trung tâm logistics:

- Trung tâm logistics toàn cầu thường được bố trí ở đầu mối giao thông vận tải mang ý nghĩa cấp toàn cầu, gần trung tâm thương mại – kinh tế cấp toàn cầu, có quy mô 100-150ha, cung cấp dịch vụ logistics cho một châu lục và toàn cầu, như Rotterdam, Bremen, LosAngeles, Antwerp, Singapore, Hong Kong…
- Trung tâm logistics khu vực: Thường được bố trí ở đầu mối giao thông vận tải mang ý nghĩa cấp vùng, gần các trung tâm kinh tế, thương mại cấp khu vực, có quy mô 20-50ha. Trung tâm này thường phục vụ phát triển kinh tế – thương mại cho nhiều quốc gia tại một khu vực nào đó hay phục vụ hoạt động kinh doanh của các tập đoàn đa quốc gia.
- Trung tâm logistics cấp quốc gia được bố trí ở đầu mối giao thông vận tải chính, gần các trung tâm kinh tế – thương mại của quốc gia đó, quy mô từ 10-30ha, thường phục vụ kinh tế – thương mại của quốc gia hay hoạt động kinh doanh của các tập đoàn kinh tế lớn.
- Trung tâm dịch vụ logistics địa phương phục vụ cho hoạt động kinh tế – thương mại của một địa phương hoặc một số công ty lớn, DN đặc thù.
- Trung tâm dịch vụ logistics cấp DN phục vụ cho DN của mình khi có nhu cầu.

Trên đây là những trung tâm logistics mang tính điển hình mà bất cứ quốc gia kinh doanh logistics nào cũng phải có. Số lượng và quy mô tùy thuộc vào khối lượng công việc cũng như khả năng tài chính của ngành logistics và quốc gia quyết định. VN đang phát triển Logistics, thiết nghĩ nên hình thành gấp những trung tâm này. Vấn đề trở nên phức tạp và khó khăn nếu cứ để thời gian trôi qua mà không hành động. Cạnh tranh để phát triển Với sự phát triển của nền kinh tế toàn cầu trong vài thập niên qua, tạo ra sự cạnh tranh gay gắt giữa các quốc gia, các tập đoàn kinh tế lớn thế giới, đòi hỏi các ngành sản xuất và DN phải mang tính toàn cầu hóa, vì hoạt động kinh tế của những tập đoàn đa quốc gia hay xuyên quốc gia không còn bị giới hạn trong biên giới hành chánh nữa, khi mà những ngành dịch vụ làm ra giá trị gia tăng ngày một lớn hơn, thì chuỗi logistics toàn cầu phải giảm chi phí cho một số sản phẩm được đưa ra cuối cùng là người tiêu dùng tiếp nhận. Những quy trình “từ cửa đến cửa” (from door to door) hay quản lý dây chuyền cung ứng từ nơi sản xuất đến người tiêu dùng trở thành những minh chứng sinh động xu thế thời đại… có phải chúng ta đang sống trong “thế giới phẳng” hay không? Sẽ kiểm chứng bằng tương lai! Hiện nay chỉ có thể nói một cách giản đơn: “chính các trung tâm logistics sẽ tạo ra sự cạnh tranh bắt buộc trên bình diện quốc tế và trong nước”, để thúc đẩy logistics VN vươn lên.