VIỆT NAM HƯỚNG TỚI MỞ LẠI ĐƯỜNG BAY QUỐC TẾ

VIỆT NAM HƯỚNG TỚI MỞ LẠI ĐƯỜNG BAY QUỐC TẾ

VIỆT NAM HƯỚNG TỚI MỞ LẠI ĐƯỜNG BAY QUỐC TẾ

Ngày đăng: 22/07/2020

Bộ GTVT đang khá sốt sắng với kế hoạch mở lại đường bay quốc tế. Tuy nhiên, các chuyên gia đánh giá, bối cảnh dịch bệnh Covid-19 trên thế giới cũng như tình hình cơ sở hạ tầng hàng không trong nước đang khó khăn, giờ chưa phải lúc nghĩ đến điều này.

 

 Còn có những ý kiến trái chiều khi mở lại đường bay quốc tế. Ảnh: Công Trung

Kể từ khi lệnh giãn cách xã hội được nới lỏng để chuyển sang giai đoạn vừa phát triển kinh tế, vừa bảo đảm phòng, chống dịch Covid-19, Việt Nam vẫn chưa ghi nhận một trường hợp nhiễm bệnh nào ngoài cộng đồng. Đời sống kinh tế - xã hội cả nước đang dần phục hồi, trong đó mạnh mẽ nhất là ngành hàng không. Dù mới chỉ khai thác các đường bay trong nước nhưng hàng không đã có giai đoạn phát triển nóng, thậm chí còn hơn cả thời điểm trước khi có dịch. Có lẽ đây là một trong những lý do Bộ GTVT nói chung và ngành hàng không nói riêng sốt sắng muốn mở lại các đường bay quốc tế.

Bay quốc tế từ đầu tháng 8/2020?

Bộ GTVT vừa có văn bản báo cáo Chính phủ về việc tổ chức các chuyến bay thương mại quốc tế thường lệ giữa Việt Nam và các nước. Trong văn bản này, Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ đồng ý về chủ trương phương án tổ chức các chuyến bay quốc tế thường lệ đến các khu vực ưu tiên gồm Quảng Châu (Trung Quốc), Seoul (Hàn Quốc), Tokyo (Nhật Bản), Đài Loan (Trung Quốc), Viêng Chăn (Lào), Phnôm-pênh (Campuchia) với tần suất một chuyến/tuần/điểm đến.

Điều kiện đối với hành khách nhập cảnh trên các đường bay nói trên là phải có visa hợp lệ khi làm thủ tục chuyến bay (check-in); thực hiện cách ly theo quy định về phòng, chống dịch khi nhập cảnh. Với đề xuất này của Bộ GTVT, dự kiến mỗi tuần sẽ có từ 2.500 - 3.000 hành khách được đưa vào Việt Nam trên các chuyến bay thường lệ (ngoài các chuyến bay giải cứu công dân, chuyến bay thuê chuyến chở chuyên gia từ các địa điềm khác trên thế giới vào Việt Nam). Nếu được Chính phủ chấp thuận, Bộ GTVT (thông qua Cục Hàng không Việt Nam) sẽ làm việc để thống nhất với các đối tác Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc, Lào, Campuchia lên kế hoạch vận chuyển giữa Việt Nam với các nước. Dự kiến đầu tháng 8/2020 có thể thực hiện chuyến bay thường lệ đầu tiên.

Bên cạnh đó, để phù hợp với điều kiện địa lý, phân bổ khả năng cách ly, sự tương đồng về điểm đi/đến (thủ đô, điểm cửa ngõ chính, điểm thứ cấp), Bộ GTVT đề xuất trong giai đoạn đầu mở đường bay Quảng Châu - Đà Nẵng; Tokyo - Hà Nội; Seoul - Hà Nội; Đài Bắc (Đài Loan, Trung Quốc) - TP Hồ Chí Minh; Viêng Chăn - Quảng Ninh; Phnom Pênh - Cần Thơ. Trong giai đoạn này, Cục Hàng không Việt Nam có nhiệm vu chỉ đạo hãng hàng không khai thác với tần suất một chuyến/tuần/điểm đến nhằm sử dụng hiệu quả nhân lực (phi công, tiếp viên) đang thực hiện các chuyến bay quốc tế giải cứu công dân do Bộ Ngoại giao xây dựng. Sau khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát và các bên tăng tần suất, số đường bay, Cục Hàng không Việt Nam tiếp tục chỉ đạo các hãng hàng không tăng tần suất khai thác. Nhìn vào nội dung văn bản gửi Chính phủ của Bộ GTVT có thể thấy cơ quan này đang tỏ ra khá sốt sắng với việc mở lại các chuyến bay thương mại với quốc tế.

Hiệu quả kinh tế không cao

Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, TS Phan Lê Bình - chuyên gia giao thông của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) cho rằng, việc mở lại đường bay quốc tế là cần thiết nhưng vào thời điểm hiện tại không dễ thực hiện, thậm chí thực hiện được thì hiệu quả thương mại cũng không cao. “Các chuyến bay quốc tế luôn rất cần thiết với sự phát triển kinh tế - xã hội của bất cứ quốc gia nào tại bất cứ thời điểm nào. Trước đây, vì dịch bệnh Covid-19, chúng ta đã phải tạm dừng bay. Giờ khi dịch bệnh trong nước về cơ bản đã dược kiểm soát, việc nghiên cứu mở lại các chuyến bay quốc tế là điều nên làm” - TS Phan Lê Bình nhận định. Tuy nhiên, theo đánh giá của chuyên gia này, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp ở nhiều quốc gia trên thế giới, mở lại đường bay quốc tế lúc này sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro và hiệu quả thương mại sẽ không cao.

TS Phan Lê Bình nhấn mạnh, ưu tiên lớn nhất của Việt Nam lúc này vẫn là bảo đảm an toàn cho sức khỏe người dân trong nước. Do đó, kể cả có mở lại đường bay quốc tế thì công tác kiểm dịch luôn phải đặt lên hàng đầu. “Biện pháp kiểm dịch tối ưu vẫn là cách ly 14 ngày. Tất cả hành khách quốc tế đến Việt Nam đều bắt buộc phải thực hiện điều này. Đây đương nhiên sẽ là rào cản không nhỏ cho khách du lịch muốn đến Việt Nam” - TS Phan Lê Bình nói.

Phân tích sâu hơn về vấn đề này, chuyên gia JICA cho hay, một trong những mục đích chính khi mở lại đường bay quốc tế là thu hút khách du lịch đến Việt Nam. Song với việc phải cách ly 14 ngày sẽ khiến nhiều người phải đắn đo. “Tôi nghĩ chỉ có những người đến Việt Nam để làm việc hoặc khách du lịch dài ngày, cỡ tầm một vài tháng trở lên mới chấp nhận điều kiện cách ly này để đến nước ta du lịch” - TS Phan Lê Bình nhận định.

Trong khi đó, TS Lê Xuân Nghĩa - chuyên gia kinh tế khẳng định, việc mở cửa lại bầu trời sẽ giúp khơi thông bế tắc cho ngành du lịch, kinh tế. Để thực hiện hiệu quả kế hoạch này, nên hướng đến thị trường Đông Bắc Á nếu nghiên cứu mở lại đường bay quốc tế. Khi thị trường Đông Bắc Á thuận lợi có thể xem xét mở rộng sang các thị trường Đông Nam Á, châu Âu, châu Mỹ. “Chúng ta cần chuẩn bị 2 kịch bản. Kịch bản thứ nhất là phát triển du lịch vùng, du khách sẽ không ra khỏi vùng đó. Kịch bản thứ hai là phải kiểm tra y tế với khách quốc tế vào Việt Nam” - TS Lê Xuân Nghĩa đề xuất.

Chuyên gia kinh tế này lấy ví dụ từ kiến nghị của Singapore về giải pháp kiểm tra sức khỏe người nhập cảnh Việt Nam như một gợi ý để Việt Nam có thể áp dụng khi đón du khách nước ngoài. Đó là sẽ tiến hành kiểm tra y tế 2 lần, cách nhau 4 ngày, nếu cả 2 lần âm tính thì được phép nhập cảnh. Tiếp đó, sau khi vào Việt Nam sẽ tiếp tục kiểm tra 2 lần nữa, cách nhau từ 2 - 4 ngày, nếu kết quả đều âm tính là an toàn. Tuy nhiên, theo đánh giá của TS Phan Lê Bình, cách kiểm dịch an toàn nhất vẫn chỉ có thể là cách ly hoàn toàn trong 14 ngày. “Hiện nay, đã có bộ test nhanh virus SARS-CoV-2 nhưng theo tôi những bộ test nhanh có sai số lớn, độ tin cậy không cao” - TS Phan Lê Bình nói và khẳng định, không thể phó mặc sự an toàn của đất nước vào những bộ test nhanh này, trừ khi các nhà khoa học làm ra những bộ test mới chính xác và có độ tin cậy cao hơn.