1. Đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu thu ngân sách được giao
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Thọ cho biết, ngay từ đầu năm, Tổng cục Hải quan đã yêu cầu tập trung thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp tạo thuận lợi thương mại, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, chống thất thu Ngân sách Nhà nước (NSNN) và đẩy mạnh chuyển đổi số, cải cách hiện đại hóa hải quan. Đồng thời chủ động đối thoại với các doanh nghiệp (DN), tập trung nguồn lực kịp thời xử lý, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của người dân, DN để thúc đẩy hoạt động kinh doanh XNK. Nhờ đó, trong 6 tháng đầu năm 2024, toàn ngành Hải quan đã tiếp nhận gần 9,5 triệu hồ sơ thủ tục hành chính mới và 2.233 hồ sơ kỳ trước chuyển sang. Trong đó, có hơn 8,97 triệu hồ sơ tiếp nhận trực tuyến; hơn 8,2 triệu hồ sơ được giải quyết đúng hạn, 1,64 triệu hồ sơ giải quyết trước hạn...Kết quả thu NSNN đạt 200.460 tỷ đồng, bằng 53,5% dự toán được giao, tăng 8,4% so với cùng kỳ năm trước.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Thọ.
Theo Cục Hải quan Đà Nẵng, tính đến hết tháng 6/2024, tổng số DN tham gia làm thủ tục hải quan tại đơn vị là 2.409 DN, tăng 17,11% so với năm 2023, trong đó, DN ngoài địa bàn là 1.604 DN (chiếm 66,58%, tăng 17,94% so với cùng kỳ năm 2023). Tổng kim ngạch XNK trong 6 tháng đạt hơn hơn 1,87 tỷ USD, tăng 8,48% so với cùng kỳ, trong đó, nhập khẩu là hần 815.000 USD, tăng 11,14%; xuất khẩu là 1,058 tỷ USD, tăng 6,51% so với cùng kỳ năm 2023. Về công tác thu ngân sách nhà nước, tính đến ngày 30/6/2024, số thu toàn Cục là 1.588,4 tỷ đồng, đạt 45,4% chỉ tiêu giao (3.500 tỷ đồng), giảm 8,5% so với cùng kỳ năm 2023 (1.736,9 tỷ đồng).
Theo Cục Hải quan Hà Nội, mặc dù kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa 6 tháng đầu năm tại đơn vị tăng nhưng nhiều mặt hàng nhập khẩu đóng góp số thu lớn, thuế suất cao lại giảm, ảnh hưởng lớn đến kết quả thu ngân sách của đơn vị.
Kim ngạch nhập khẩu nhiều mặt hàng chủ chốt giảm. Tính đến ngày 30/6/2024, toàn Cục thu ngân sách nhà nước đạt 14.943 tỷ đồng, bằng 44,5% dự toán và bằng 105,34% cùng kỳ năm 2023. Phấn đấu cả năm 2024, mục tiêu hoàn thành 33.570 tỷ đồng.
Cán bộ Hải quan Hữu Nghị kiểm tra thực tế hàng nhập khẩu.
Theo Cục Hải quan Hải Phòng trong 6 tháng đầu năm 2024, toàn Cục đã thực hiện thủ tục cho 1,28 triệu tờ khai hàng hóa XNK (tăng 18,4% so cùng kỳ năm 2023) của 25.106 DN. Thực hiện giám sát đối với 4.902 lượt phương tiện và 96.027 lượt thuyền viên, hành khách xuất nhập cảnh, chuyển cảng qua cảng Hải Phòng; 377 lượt tàu bay xuất, nhập cảnh với 66.679 lượt hành khách xuất nhập cảnh qua cảng hàng không quốc tế Cát Bi. Tổng kim ngạch hàng hóa xuất nhập khẩu làm thủ tục tại Cục Hải quan Hải Phòng đạt 63,98 tỷ USD, tăng 22,15 % so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 32,2 tỷ USD, tăng 21,97%; kim ngạch nhập khẩu đạt 31,8 tỷ USD, tăng 22,32%.
Về kết quả thu ngân sách, hết ngày 30/6/2024, toàn Cục Hải quan Hải Phòng thu được 34.573,7 tỷ đồng, đạt 52% chỉ tiêu được giao cả năm (66.490 tỷ đồng), tăng 1.297,8 tỷ đồng (tương ứng tăng 3,9%) so với cùng kỳ năm 2023.
Với kết quả này, Cục Hải quan Hải Phòng đóng góp 17,25% trong tổng thu ngân sách toàn Ngành trong 6 tháng đầu năm (toàn Ngành dạt 200.460 tỷ đồng) và là đơn vị có số thu lớn thứ 2 trong tổng số 35 cục hải quan địa phương (sau Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh).
Theo Cục trưởng Cục Hải quan Hải Phòng Nguyễn Duy Ngọc, để đảm bảo hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ ở mức cao nhất của cả năm 2024, từ nay đến cuối năm Cục Hải quan Hải Phòng tập trung thực hiện tốt các nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm như: phấn đấu hoàn thành vượt chỉ tiêu thu ngân sách 66.490 tỷ đồng của cả năm 2024; tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan ở tất cả các khâu để tiếp tục thực hiện hiệu quả đồng thời hai mục tiêu là tạo thuận lợi thương mại và đảm bảo công tác quản lý nhà nước về hải quan; nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại...Đồng thời tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, hiện đại hóa Hải quan và tích cực thực hiện kế hoạch chuyển đổi số của Ngành và địa phương, của Cục Hải quan Hải Phòng...
Cục Thuế xuất nhập khẩu (Tổng cục Hải quan) cho biết, Chính phủ đã ban hành 17 biểu thuế xuất nhập khẩu ưu đã thực hiện các hiệp định FTA trong giai đoạn 2022-2027. Do vậy có nhiều mặt hàng nhập khẩu có thuế suất cao được cắt giảm nên số thu ngân sách từ nguồn thuế nhập khẩu bị ảnh hưởng. Hơn nữa, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 110/2023/QH15 giảm 2% số thuế giá trị gia tăng cho một số mặt hàng áp dụng từ 1/1/2024 ngày 30/6/2024 và vừa qua, Quốc hội đã quyết định tiếp tục kéo dài thời gian giảm 2% thuế suất thuế GTGT đối với một số nhóm hàng hoá, dịch vụ đến hết năm 2024. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến giảm thu ngân sách từ thuế GTGT.
Hải quan An Giang kiểm tra lúa (thóc) nhập khẩu.
Theo ông Nguyễn Văn Thọ, nguyên nhân số thu tăng so với cùng kỳ năm trước là do: Nền kinh tế trong nước đã bắt đầu có những dấu hiệu khởi sắc, số doanh nghiệp thành lập mới tăng 4,5%; số DN quay trở lại hoạt động tăng 3,3%, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu chịu thuế 6 tháng đầu năm tăng 16,5%. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu chịu thuế tăng 12,4% và kim ngạch nhập khẩu chịu thuế tăng 16,7%. Bên cạnh đó, về đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, Tổng cục Hải quan đã rà soát, hoàn thiện bài toán yêu cầu nghiệp vụ Hải quan số, Hải quan thông minh đáp ứng yêu cầu quản lý xuyên suốt từ khâu đầu đến khâu cuối và hoàn thành tài liệu yêu cầu kỹ thuật phục vụ xây dựng Hệ thống công nghệ thông tin, ngày 5/6/2024 Tổng cục Hải quan đã có Tờ trình Bộ đề nghị phê duyệt dự thảo Quyết định chủ trương đầu tư dự án "Xây dựng hệ thống công nghệ thông tin thực hiện hải quan số đáp ứng yêu cầu nghiệp vụ trong thông quan".
Bằng các giải pháp đồng bộ, quyết liệt 6 tháng đầu toàn ngành đã làm thủ tục thông quan cho 8,16 triệu tờ khai, tăng 14,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, số tờ khai xuất khẩu là 4,28 triệu, tăng 15,9% và nhập khẩu là 3,88 triệu, tăng 12,8%. Làm thủ tục xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa cho 88,7 nghìn doanh nghiệp, tăng 6,4% so với cùng kỳ năm trước.
Tổng trị giá hàng hóa xuất nhập khẩu 6 tháng đạt 369,62 tỷ USD, tăng 16% (tương ứng tăng 51,08 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, trị giá xuất khẩu đạt 190,73 tỷ USD, tăng 14,9% (tương ứng tăng 24,74 tỷ USD) và trị giá nhập khẩu đạt 178,88 tỷ USD, tăng 17,3% (tương ứng tăng 26,34 tỷ USD). Cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam 6 tháng năm ước tính xuất siêu 11,85 tỷ USD.
Về công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, toàn ngành Hải quan đã phát hiện, bắt giữ và xử lý 8.201 vụ việc vi phạm pháp luật Hải quan (tăng gần 2% so với cùng kỳ năm 2023), trị giá hàng hóa vi phạm ước tính 16.173 tỷ đồng. Cơ quan Hải quan đã khởi tố 11 vụ, chuyển cơ quan khác kiến nghị khởi tố 89 vụ. Số tiền thu nộp NSNN 381,4 tỷ đồng (tăng 21% so với năm 2023).
Về công tác đấu tranh phòng chống ma túy, toàn ngành Hải quan đã chủ trì, phối hợp với các lực lượng Công an, Bộ đội Biên phòng phát hiện, bắt giữ: 183 vụ/216 đối tượng, trong đó cơ quan Hải quan chủ trì 69 vụ. Tổng lượng ma tuý bị thu giữ hơn 1 tấn, cụ thể: 160 gram thuốc phiện; 191,1 kg cần sa; 62,4 kg heroin; 1,66 gram cocain; 76,1 kg và 900 viên ketamine; 571 kg và 6 viên ma tuý tổng hợp; 379,8 kg, 220 viên và 50,5 ml dạng ma tuý khác.
Đặc biệt, Tổng cục Hải quan đã tổ chức thành công Hội nghị Tổng cục trưởng ASEAN lần thứ 33 với sự tham gia của 100 đại biểu của 10 cơ quan Hải quan nước thành viên ASEAN, Ban Thư ký ASEAN và các đối tác của ASEAN.
Chủ động đối thoại, tạo thuận lợi cho xuất nhập khẩu.
Doanh nghiệp là đối tác hợp tác cùng phát triển
Ông Lương Khánh Thiết, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Cải cách hiện đại hoá (Tổng cục Hải quan) cho biết, công tác phát triển quan hệ đối tác Hải quan-Doanh nghiệp là hoạt động nhằm mục tiêu hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng DN, thúc đẩy hoạt động XNK. Trong 10 năm qua, ngành Hải quan luôn lấy người dân, DN làm trung tâm, phát huy sáng tạo, nỗ lực vượt qua khó khăn, tích cực hỗ trợ khơi thông hoạt động XNK.
Đặc biệt, cơ quan Hải quan luôn coi mức độ hài lòng của DN là thước đo đánh giá chất lượng, hiệu quả công việc, coi DN là đối tác tin cậy để cân bằng giữa mục tiêu quản lý và phục vụ, tạo điều kiện tốt nhất cho cộng đồng DN tiếp cận các biện pháp hỗ trợ của cơ quan Hải quan trong bối cảnh khó khăn mà DN gặp phải, qua đó góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của DN và nâng cao trách nhiệm của đội ngũ cán bộ công chức Hải quan trong thực thi công vụ. Đến nay, công tác phát triển quan hệ đối tác Hải quan-Doanh nghiệp đã cơ bản đi vào nề nếp, mang lại nhiều kết quả tích cực và nhận được sự quan tâm ủng hộ từ nội bộ cơ quan Hải quan, từ cộng đồng DN và các bên liên quan.
Ở góc độ địa phương, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Quảng Ninh Phạm Văn Thể đánh giá cao các giải pháp tạo thuận lợi của Cục Hải quan Quảng Ninh trong việc hỗ trợ, hướng dẫn giúp DN tuân thủ tốt pháp luật. DN rất quan tâm đến công tác cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan. Hàng năm, tỉnh Quảng Ninh tổ chức công bố kết quả Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành (DDCI). Trong đó, các chỉ số thời gian, chỉ số hỗ trợ DN của Cục Hải quan Quảng Ninh được cải thiện, góp phần tạo môi trường đầu tư thông thoáng trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Kết quả, Cục Hải quan Quảng Ninh có 6 năm liên tiếp dẫn đầu tỉnh Quảng Ninh về Chỉ số DDCI với 8 chỉ số thành phần. Kết quả mà Cục Hải quan Quảng Ninh đạt được giúp cho DN trên địa bàn tỉnh và nhiều DN ngoài tỉnh phát triển.
Theo ghi nhận của các DN đều ghi nhận việc tiếp cận các văn bản quy phạm pháp luật hải quan nhanh chóng, kịp thời; thường xuyên nhận được sự trao đổi, tháo gỡ khó khăn từ phía cơ quan Hải quan. Công tác hỗ trợ từ phía cán bộ, công chức Hải quan Quảng Ninh ngày càng thân thiện hơn, coi DN là đối tác hợp tác cùng phát triển. Để nâng cao hiệu quả công tác phát triển quan hệ đối tác Hải quan-Doanh nghiệp, các DN cũng cho rằng, cơ quan Hải quan cần tạo các kênh đối thoại trực tiếp. Bản thân các DN cũng cần nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, nhất là các DN đại lý làm thủ tục hải quan...Bên cạnh đó, cơ quan Hải quan tăng cường hợp tác trao đổi thông tin quốc tế, chia sẻ thông tin để DN nắm bắt để tránh rủi ro khi XNK hàng hoá...
Toàn ngành Hải quan đã phát hiện, bắt giữ và xử lý 8.201 vụ việc vi phạm pháp luật Hải quan.
Nhận định trong 6 tháng cuối năm, tình hình thế giới, khu vực dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp với nhiều khó khăn, thách thức, theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Thọ, để hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra, Tổng cục Hải quan sẽ ưu tiên thực hiện một số nhóm việc trọng tâm. Cụ thể là tập trung nguồn lực triển khai xây dựng Hệ thống công nghệ thông tin thực hiện Hải quan số đáp ứng yêu cầu nghiệp vụ trong thông quan ngay khi Bộ Tài chính phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư theo phân cấp quản lý tài chính, tài sản công, đầu tư xây dựng, ứng dụng công nghệ thông tin, kiểm tra nội bộ của Bộ Tài chính tại Quyết định số 899/QĐ-BTC ngày 19/4/2024. Đồng thời tiếp tục chủ động đối thoại, kịp thời phối hợp với các Bộ, ngành tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tiếp tục tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh XNK của DN. Đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu thu ngân sách được giao đạt 385.000 tỷ đồng (vượt 10.000 tỷ đồng so với chỉ tiêu được giao).
Tổng cục Hải quan sẽ quyết liệt chỉ đạo các lực lượng Thanh tra, Kiểm tra sau thông quan, Điều tra chống buôn lậu làm tốt công tác phòng ngừa, phát hiện, tiến hành điều tra, xác minh tập trung vào các DN có dấu hiệu rủi ro cao, các mặt hàng có thuế suất, gian lận qua giá, mã..., đặc biệt là đấu tranh với các đối tượng buôn lậu ma túy. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ,
Tổng cục Hải quan đề nghị Bộ Tài chính phê duyệt chủ trương đầu tư dự án xây dựng Hệ thống công nghệ thông tin thực hiện hải quan số để Tổng cục Hải quan có cơ sở pháp lý triển khai thực hiện xây dựng dự án và các thủ tục đầu tư tiếp theo; phê duyệt chủ trương và giao dự toán về việc tiếp tục thuê dịch vụ hỗ trợ phần mềm VNACCS/VCIS đến hết năm 2026; phê duyệt kế hoạch và danh mục dự toán chi ứng dụng công nghệ thông tin năm 2024 cho Tổng cục Hải quan.