Phát triển trung tâm Logistics hàng đầu miền trung

Phát triển trung tâm Logistics hàng đầu miền trung

Phát triển trung tâm Logistics hàng đầu miền trung

Ngày đăng: 05/04/2017

Ông Phùng Tấn Viết, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng khẳng định kinh tế biển là động lực phát triển của thành phố, trong đó có dịch vụ logistics. Phát triển chuỗi dịch vụ logistics không chỉ cho Đà Nẵng mà còn cả hành lang kinh tế Đông Tây, bao gồm khu vực miền Trung- Tây Nguyên và Lào.

 

Ngày 21/8, UBND thành phố Đà Nẵng tổ chức hội thảo xúc tiến đầu tư và phát triển dịch vụ logistics.

 

Với vị trị thuận lợi, cơ sở hạ tầng giao thông phát triển, có cảng hàng không quốc tế và cảng biển nước sâu, hoạt động logistics tại Đà Nẵng đang dần mở ra một hướng đi mới cho các nhà đầu tư.

 

Hiện thành phố đã có quy hoạch phát triển dịch vụ logistics đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2020 với mục tiêu hình thành chuỗi cung ứng dịch vụ logistics tại miền Trung, lấy Đà Nẵng làm trung tâm.

  

Kết quả hình ảnh cho logistics vietnam

 

Thủ tướng Chính phủ cũng vừa phê duyệt Quy hoạch phát triển hệ thống trung tâm logistics trên cả nước đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, trong đó tại Đà Nẵng có một Trung tâm hạng I, giai đoạn đến 2020 có quy mô tối thiểu 30 ha, đến năm 2030 có quy mô 70 ha, đồng thời hình thành một trung tâm logistics chuyên dụng tại Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng.

 

Ông Phùng Tấn Viết, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng khẳng định kinh tế biển là động lực phát triển của thành phố, trong đó có dịch vụ logistics. Phát triển chuỗi dịch vụ logistics không chỉ cho Đà Nẵng mà còn cả hành lang kinh tế Đông Tây, bao gồm khu vực miền Trung- Tây Nguyên và Lào. Vậy bài toán hiện nay là  đầu tư gì cho logistics, phát triển theo hướng nào?

 

Theo đánh giá của các doanh nghiệp, hoạt động logistics tại Đà Nẵng đến nay chưa phát triển; không ít doanh nghiệp đang gặp nhiều vướng mắc, khó khăn với các thủ tục pháp lý của các cơ quan quản lý; phạm vi hoạt động của các doanh nghiệp logistics tại Đà Nẵng còn hẹp, dịch vụ đơn lẻ, chưa có sự kết nối giữa các hoạt động để tạo thành chuỗi xuyên suốt.

 

Bên cạnh đó, nguồn nhân lực hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu ngành, thiếu kinh nghiệm và trình độ chuyên môn trong lĩnh vực logistics; hệ thống hạ tầng giao thông vận tải còn yếu và bất cập trong quản lý vĩ mô (quản lý cầu và đường bộ chưa thống nhất)…

 

Theo ông Trần Duy Hiền, Tổng giám đốc Công ty DACO logistics, Tổng Thư ký Hiệp hội doanh nghiệp logistics Việt Nam, đối thủ cạnh tranh trực tiếp của Đà Nẵng hiện nay là Thái Lan trên tuyến hành lang kinh tế Đông Tây. Vì vậy, cần có chiến lược thu hút dòng chảy hàng hóa từ các tỉnh miền Trung- Tây Nguyên và các tỉnh của Lào về Đà Nẵng, khi đó dịch vụ vận chuyển sẽ tốt hơn, giá thành giảm mới có thể cạnh tranh được với dịch vụ logistics của Thái Lan.

 

Đại diện các nhà đầu tư đến từ Nhật Bản, ông Yoshitaka Kurihara, Cố vấn đầu tư cao cấp Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản cho rằng cần cải thiện cơ sở hạ tầng giao thông và chú trọng đào tạo con người như an toàn nghiệp vụ, kĩ năng mềm, đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ vận chuyển. Về phía cơ quan quản lý, cần cắt giảm các thủ tục liên quan đến kê khai Hải quan, kiểm soát hiệu quả hơn trọng tải và các quy tắc an toàn giao thông.

 

Còn theo đại diện Công ty Cổ phần Asiatrans Việt Nam, Đà Nẵng sớm nâng cao năng lực cảng biển bằng cách đẩy nhanh tiến độ xây dựng cảng Liên Chiểu, đưa Đà Nẵng trở thành trung tâm logistics loại 1 như quy hoạch của Chính phủ. Đồng thời, tạo thuận lợi để thu hút nhiều hãng tàu, hãng hàng không nước ngoài đến với Đà Nẵng, như vậy hàng hóa lưu thông trở nên thuận lợi hơn.

 

Ngoài ra, diện tích kho, bãi tại Đà Nẵng rất khiêm tốn, do vậy cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trẻ thuê đất làm kho, bãi, qua đó doanh nghiệp địa phương sẽ có điều kiện nâng cao chất lượng dịch vụ.