Để doanh nghiệp vận tải nhỏ không phải “bán lúa non”

Để doanh nghiệp vận tải nhỏ không phải “bán lúa non”

Để doanh nghiệp vận tải nhỏ không phải “bán lúa non”

Ngày đăng: 31/01/2018

(TBKTSG) - Những năm gần đây ngành vận tải gặp nhiều khó khăn do nguồn hàng ít mà các chi phí khác như xăng dầu, lệ phí cầu đường, bảo trì đường bộ, chi phí hạ tầng... tăng lên hàng năm. Trong đó, các doanh nghiệp vận tải nhỏ và vừa là khó khăn nhất.

Cầm cố chứng từ vận tải
Các doanh nghiệp vận tải nhỏ và vừa phần lớn đầu tư khoảng vài ba xe đầu kéo. Nhiều doanh nghiệp chỉ có một xe, ông chủ cũng kiêm luôn lái xe, giao nhận hàng hóa. Họ phần lớn là anh em lái xe lâu năm, dành dụm ít tiền và vay thêm ngân hàng để mua xe. Hàng hóa khai thác chủ yếu là hàng vãng lai theo kiểu một người có mối hàng rồi kêu anh em khác cùng chạy, còn lại là chạy hàng cho các công ty lớn.

Anh C.- trước đây lái xe đầu kéo cho một doanh nghiệp lớn, nay đã xin nghỉ hưu sớm để làm chủ một doanh nghiệp vận tải nhỏ - cho biết: chi phí đầu tư một xe đầu kéo sơ mi rơ mooc loại tàm tạm cũng trên 1 tỉ đồng, trong đó anh phải vay ngân hàng đến 70%. Một ngày chạy trung bình một chuyến hàng trong phạm vi thành phố giá khoảng 1,5-2 triệu đồng. Trừ chi phí xăng dầu, các khoản lệ phí... thì một tháng còn dư khoảng 10 triệu. So với lúc lái xe thuê cho doanh nghiệp thì thu nhập như vậy không cao hơn là bao. Tuy nhiên, anh cho biết, khai thác hàng đã khó mà đi đòi tiền càng khó hơn. Các chủ hàng lớn thường ép điều kiện thanh toán trả chậm trong vòng từ 60-90 ngày. Các doanh nghiệp vận tải lớn, có tiềm lực kinh tế thì không vấn đề gì. Doanh nghiệp nhỏ như doanh nghiệp của anh C., vì hàng khan hiếm nên cũng đành phải chấp nhận, nhưng rơi vào thế rất khó.

Từ câu chuyện thanh toán chậm đó mà hiện nay trong giới kinh doanh vận tải đang hình thành một hình thức tín dụng mới: “bán lúa non”. Các doanh nghiệp, chủ xe làm ăn nhỏ, không trường vốn, thường phải bán các phiếu giao hàng, biên bản nghiệm thu, thanh lý hợp đồng để thu hồi vốn. Muốn có “tiền tươi thóc thật” thì phải bán cho các đầu nậu lớn. Thông thường, tiền thu được chỉ bằng 75-80% giá trị tiền cước theo hợp đồng. Biết là bị “cắt cổ” nhưng họ không có cách nào khác. Vay ngân hàng thì không được vì đã thế chấp nhà cửa để mua xe, không thể thế chấp ngân hàng thêm nữa. Vay “xã hội đen” thì lãi suất cao và vô cùng rủi ro. Không bán chứng từ thì họ không có dòng tiền để trả lãi vay, chi phí xăng dầu, tiền lương...

Các chứng từ như phiếu giao hàng, biên bản nghiệm thu, thanh lý hợp đồng... trong hoạt động vận tải cần được xem như là những chứng từ có giá. Ngân hàng nên xem xét chiết khấu cho các doanh nghiệp với tỷ lệ chiết khấu vừa phải.
Câu chuyện chèn ép này có liên quan đến các chủ hàng lớn, có nguồn hàng dồi dào. Lãnh đạo các doanh nghiệp này thường bắt tay các đầu nậu là sân sau của họ để kiếm chác. Mặc dù điều kiện thanh toán là 60-90 ngày nhưng sau khi mua hoặc nhận cầm cố chứng từ, các đầu nậu có thể “lobby” để có thể nhận được tiền thanh toán nhanh chóng. Khoản lợi đó ai cũng hiểu là các đầu nậu mua phiếu giao hàng và chủ hàng chia nhau. Tình trạng này diễn ra âm ỉ khiến nhiều doanh nghiệp vận tải nhỏ phải phá sản, bán xe, mất nhà. Nhiều chủ doanh nghiệp nhỏ như anh C. cho biết, có khi phải bán xe rồi lái xe thuê lại.

Ai giúp doanh nghiệp?

Nhiều chủ xe như anh C. ước ao có ai giúp tiếng nói trong vấn đề này để họ “dễ thở” hơn. Họ vẫn biết kinh doanh là chấp nhận rủi ro. Khi nghỉ việc ở doanh nghiệp, thế chấp nhà cửa để mua xe làm ăn là họ đã lường trước những khó khăn trước mắt. Tuy nhiên, việc bị chèn ép thông qua sự bắt tay giữa chủ hàng và các đầu nậu “mua lúa non” sẽ đẩy họ đến bước đường cùng. Không chạy hàng cũng chết, mà chạy thì cũng sống không nổi với các doanh nghiệp lớn, có tiềm lực kinh tế vì thực tế giá cước chỉ còn 75-80% so với giá thị trường.

Trong hoạt động ngoại thương, hình thức cầm cố, chiết khấu chứng từ có giá khá phổ biến. Doanh nghiệp cầm cố bộ chứng từ bán hàng cho ngân hàng với thời hạn thanh toán quy định trong thư tín dụng (L/C). Ngân hàng thanh toán sớm cho doanh nghiệp sẽ nhận được khoản chi phí chiết khấu hợp lý. Chi phí chiết khấu này thường không cao hơn lãi suất cho vay nhiều lắm. Ngân hàng và doanh nghiệp cùng có lợi trong những thương vụ chiết khấu như vậy.

Tuy nhiên, rất tiếc, trong hoạt động kinh doanh tín dụng trong nước, các ngân hàng thương mại thường không chú trọng đến nghiệp vụ này. Chỉ có các doanh nghiệp lớn, có nguồn thu ổn định, có hợp đồng giá trị lớn mới được các ngân hàng cấp tín dụng theo hình thức thế chấp nguồn thu. Nghĩa là ngân hàng sẽ chỉ định tài khoản bắt buộc doanh nghiệp phải ghi rõ trong hợp đồng để quản lý nguồn thu trên hợp đồng, bảo đảm dòng tiền về ngân hàng mình. Còn lại, các ngân hàng đa số chỉ cầm cố, chiết khấu các loại chứng từ có giá dễ thu hồi nợ như sổ tiết kiệm, giấy tờ xe... Một phần các ngân hàng cho rằng nhận cầm cố, chiết khấu các giấy giao hàng, biên bản nghiệm thu... thì khả năng rủi ro cao do khó đòi được nợ. Một phần họ cho rằng nguồn thu từ các nghiệp vụ này không đáng kể.

Thiết nghĩ, Nhà nước nên có chính sách phù hợp để khuyến khích các ngân hàng thương mại mở rộng dịch vụ cầm cố, mua, chiết khấu chứng từ có giá cho các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ. Các chứng từ như phiếu giao hàng, biên bản nghiệm thu, thanh lý hợp đồng... trong hoạt động vận tải cần được xem như là những chứng từ có giá. Ngân hàng nên xem xét chiết khấu cho các doanh nghiệp với tỷ lệ chiết khấu vừa phải, có thể cao hơn lãi suất cho vay vì có tính đến yếu tố rủi ro. Tuy nhiên, tỷ lệ này sẽ thấp hơn nhiều so với phí tổn “bán lúa non” hiện nay của các doanh nghiệp vận tải nhỏ. Ngân hàng với địa vị pháp lý của mình có thể dùng các biện pháp chế tài để thu hồi công nợ. Nhà nước phải đứng đằng sau các ngân hàng để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của ngân hàng trong trường hợp ngân hàng không thu được tiền cước do khách hàng chây ì công nợ. Có như vậy các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ trong lĩnh vực vận tải mới có cơ hội phát triển, hạn chế tình trạng “bán lúa non” như hiện nay.