THỦ TƯỚNG: EVFTA KHÔNG CÓ CHỖ CHO DOANH NGHIỆP THIẾU KIÊN TRÌ, SÁNG TẠO

THỦ TƯỚNG: EVFTA KHÔNG CÓ CHỖ CHO DOANH NGHIỆP THIẾU KIÊN TRÌ, SÁNG TẠO

THỦ TƯỚNG: EVFTA KHÔNG CÓ CHỖ CHO DOANH NGHIỆP THIẾU KIÊN TRÌ, SÁNG TẠO

Ngày đăng: 07/08/2020

Thủ tướng cho rằng doanh nghiệp cần nâng cấp mình mới tận dụng được cơ hội từ EVFTA, nhất là khi chuỗi cung ứng, thị trường toàn cầu đang xáo trộn.

 Tại hội nghị trực tuyến triển khai kế hoạch thực thi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) ngày 6/8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc lại EVFTA là "con đường cao tốc" thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, mở ra cơ hội lớn cho doanh nghiệp Việt Nam vào thị trường EU quy mô 15.000 tỷ USD. Nhưng đây cũng là thị trường tiêu chuẩn cao, yêu cầu khắt khe nên sẽ không có chỗ cho doanh nghiệp thiếu kiên trì, thiếu sáng tạo.

"EVFTA là điều kiện để doanh nghiệp Việt nâng cấp chính mình để vào chuỗi liên kết cung ứng toàn cầu, nhất là khi nhiều tập đoàn EU đang dịch chuyển sản xuất sang Việt Nam", Thủ tướng nhận xét.

Thủ tướng cũng cho rằng, tồn tại lớn nhất là nhận thức hạn chế của các doanh nghiệp về hiệp định thương mại tự do này, nên việc tận dụng cơ hội khiêm tốn. Chưa kể, EVFTA có hiệu lực trong bối cảnh "cơn gió ngược dữ dội từ Covid-19" khiến chuỗi cung ứng, thị trường toàn cầu bị xáo trộn. Dù thế, EVFTA vẫn được kỳ vọng là cú hích lớn cho xuất khẩu mỗi bên.

Để "đường cao tốc tới EU" thông thoáng, ông nêu các yêu cầu về truyền thông, phát triển nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng, cạnh tranh trên thị trường nội địa với sản phẩm EU....


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị trực tuyến thực thi EVFTA ngày 6/8. Ảnh: VGP

Trước gợi mở của Thủ tướng, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh - cơ quan giữ vai trò chính trong thực thi chương trình hành động thực thi EVFTA, cho rằng xoá bỏ những rào cản trong hoạt động sản xuất kinh doanh thông qua cải cách hành chính là điều kiện giúp doanh nghiệp Việt tận dụng tối đa cơ hội EVTA đem lại.

Ở khía cạnh này, Bộ trưởng Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường nói cần thay đổi thể chế quyết liệt nếu "không muốn doanh nghiệp Việt bị loại bỏ khỏi cuộc chơi". Người đứng đầu ngành nông nghiệp hứa trong lĩnh vực ngành sẽ tạo mọi cơ hội thuận lợi cho doanh nghiệp.

"Thực hiện hiệp định này với quan điểm cả hai cùng thắng chứ không riêng với Việt Nam, để khai thác hết hiệu quả của hiệp định. Muốn vậy chúng ta phải vượt lên chính mình thông qua tái cơ cấu nền kinh tế, doanh nghiệp", ông Cường nhấn mạnh.

Chia sẻ điều này, ông Tuấn Anh cũng nhấn mạnh việc nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, dù không phải là vấn đề mới. Ông dẫn chứng, sản phẩm Việt muốn cạnh tranh được với hàng EU ngay tại thị trường nội địa thì nút thắt cần tháo gỡ lúc này là nguồn nguyên liệu đầu vào. Nghĩa là, cần nguồn lực đầu tư mạnh mẽ hơn vào lĩnh vực công nghiệp phụ trợ, củng cố các ngành sản xuất đủ năng lực cạnh tranh với sản phẩm xuất khẩu.

Phát triển công nghiệp hỗ trợ, chủ động nguồn nguyên liệu trong nước trong sản xuất cũng sẽ giúp doanh nghiệp Việt vượt qua cửa ải yêu cầu khắt khe về phát triển sản xuất gắn với bảo vệ môi trường, truy xuất nguồn gốc hàng hoá. Riêng với lĩnh vực nông nghiệp,

Ông cũng lưu ý, EVFTA được xây dựng trên nguyên tắc có đi có lại, cân bằng lợi ích. EU xoá bỏ thuế quan cho hàng hoá Việt Nam thì ngược lại Việt Nam cũng có nghĩa vụ mở cửa thị trường cho hàng EU.

"EU có cơ cấu xuất nhập khẩu hàng hóa mang tính bổ trợ với Việt Nam và do vậy không trực tiếp cạnh tranh với hàng hóa cùng phân khúc của chúng ta", Bộ trưởng Công Thương thông tin. Vì thế, những mặt hàng mà EU có thế mạnh khi nhập khẩu vào thị trường Việt Nam như máy móc, thiết bị... sẽ giúp hỗ trợ cho ngành sản xuất trong nước giảm giá thành, nâng cao năng lực sản xuất, từ đó tạo ra những sản phẩm có sức cạnh tranh tốt hơn.

Còn ông Trần Xuân Hà - Thứ trưởng Tài chính khuyến nghị, doanh nghiệp cần tìm hiểu kỹ các dòng thuế mặt hàng cụ thể sẽ được xoá bỏ để tận dụng cơ hội. Trường hợp doanh nghiệp chưa hiểu rõ, có thể liên hệ ngay với Bộ Tài chính để có thêm thông tin kịp thời.

Nhấn mạnh "buộc phải thay đổi nếu muốn thích ứng, tận dụng cơ hội", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ, ngành và địa phương chủ động, kịp thời ban hành các văn bản pháp luật, nội luật hoá cam kết và hướng dẫn thực thi EVFTA.

Với các hiệp hội, doanh nghiệp, Thủ tướng khuyến nghị "phải thay đổi tư duy quản lý, kinh doanh, chú ý hơn bảo đảm nghĩa vụ xã hội, tiêu chuẩn lao động và nguyên tắc bảo vệ môi trường". Ông khẳng định, Chính phủ sẽ làm vai trò kiến tạo phát triển, tạo khuôn khổ pháp lý, khuyến khích doanh nghiệp nâng cấp chính mình để nắm bắt cơ hội mà EVFTA đem lại.

EVFTA có hiệu lực từ 1/8. Theo cam kết, 84% các dòng thuế, chiếm 71% xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được giảm xuống mức 0% ngay sau khi hiệp định có hiệu lực. Sau 7 năm, 99,2% các dòng thuế hàng Việt Nam sang EU sẽ được loại bỏ. Đây là mức cam kết cao nhất mà một đối tác dành cho Việt Nam.

Mặt khác, người tiêu dùng Việt Nam sẽ được hưởng lợi khi 65% giá trị xuất khẩu của EU sang Việt Nam sẽ được miễn thuế nhập khẩu ngay sau khi thỏa thuận có hiệu lực. Phần còn lại sẽ được loại bỏ theo các lộ trình cam kết 10 năm...

Theo vnexpress.net