TRIỂN VỌNG MỚI CHO CẢNG BIỂN NHỜ TÍN HIỆU XUẤT NHẬP KHẨU TÍCH CỰC

TRIỂN VỌNG MỚI CHO CẢNG BIỂN NHỜ TÍN HIỆU XUẤT NHẬP KHẨU TÍCH CỰC

TRIỂN VỌNG MỚI CHO CẢNG BIỂN NHỜ TÍN HIỆU XUẤT NHẬP KHẨU TÍCH CỰC

Ngày đăng: 08/01/2021

Mặc dù ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển năm 2020 vẫn duy trì tăng trưởng, nhờ ảnh hưởng tích cực của hoạt động xuất nhập khẩu.

 

Hiện nay xu hướng vận tải đang chuyển dần qua các tàu trọng tải lớn, cũng là xu hướng của cảng nước sâu. Ảnh: Q.H

Vẫn tăng trưởng trong đại dịch

Theo thông tin từ Bộ Công thương, trong bối cảnh kinh tế thế giới chịu ảnh hưởng nặng nề từ Covid-19, xuất khẩu của các nước trong khu vực đều giảm so với năm trước, xuất khẩu của Việt Nam vẫn đạt được mức tăng trưởng dương, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 279 tỷ USD, tăng 5,6% so với năm 2019. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam năm 2020 ước tính đạt 543,9 tỷ USD; cán cân thương mại hàng hóa năm 2020 ước tính xuất siêu 19,1 tỷ USD, đây là mức cao nhất trong 5 năm liên tiếp xuất siêu kể từ năm 2016.

Thị trường xuất khẩu, nhập khẩu được mở rộng, không chỉ tăng cường ở các thị trường truyền thống mà còn khai thác được các thị trường mới, tiềm năng và tận dụng hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTA). Hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã vươn tới hầu hết các thị trường trên thế giới, nhiều sản phẩm đã dần có chỗ đứng vững chắc và nâng cao được khả năng cạnh tranh trên nhiều thị trường có yêu cầu cao về chất lượng như EU, Nhật Bản, Mỹ, Úc…

Có thể thấy, hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam đã có một năm sôi động bất chấp các dự báo về ảnh hưởng tiêu cực từ dịch Covid-19. Nhờ đó, sản lượng hàng hóa giao thương tại các cảng biển cũng nhanh chóng lấy lại đà tăng trưởng sau khi chịu thiệt hại trong quý II/2020.

Thống kê của Cục Hàng hải Việt Nam cho thấy, năm 2020, mặc dù ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển vẫn duy trì tăng trưởng, đạt hơn 680 triệu tấn (tăng 4% so với năm 2019). Kết quả đáng ghi nhận này có được là nhờ hệ thống kết cấu hạ tầng cảng biển được chú trọng phát triển trong thời gian vừa qua.

Theo dự báo của các chuyên gia, lợi thế từ các FTA như Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Anh (UKVFTA… sẽ mang lại cơ hội cho hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam sau khi dịch bệnh.

Nắm bắt xu thế mới cho năm 2021

Việt Nam hiện có 3 cụm cảng chính, trong đó cụm cảng phía Nam đóng góp tỉ trọng lớn nhất và tăng trưởng mạnh nhất. Hệ thống cảng Việt Nam bao gồm 3 cụm cảng chính là cụm cảng Hải Phòng - Cái Lân ở phía Bắc, cụm cảng Đà Nẵng và Quy Nhơn ở miền Trung và cụm cảng Cát Lái - Cái Mép ở khu vực phía Nam.

Ông Hồ Kim Lân - Tổng Thư ký Hiệp hội Cảng biển Việt Nam đánh giá, ngoài cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng (Lạch Huyện), cảng biển Việt Nam dần lạc hậu với xu thế container hóa của thế giới bởi tình trạng phân mảnh, các bến cảng thiếu sự liên thông.

Trong thời gian tới, xuất nhập khẩu vẫn tăng, lượng hàng lưu thông đường biển vẫn khả thi nhưng sẽ có sự phân bố thị phần rõ nét hơn. Nhiều doanh nghiệp EU cũng đề xuất, xu hướng vận tải biển bằng container trên thế giới là xu hướng trong tương lai, các doanh nghiệp vận tải biển Việt Nam nên thực hiện đóng mới container dung tích lớn từ 15.000 - 20.000 TEU.

Để theo sát được xu hướng của thế giới, các cảng biển của Việt Nam cần tập trung tăng cường năng lực khai thác để có thể đón nhiều tàu container lớn.

Gần đây, tại buổi làm việc với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, các nhà đầu tư của EU bày tỏ mong muốn đầu tư dự án logistics cảng biển trị giá gần 1 tỷ USD ở Việt Nam tại trung tâm logistics Cái Mép Hạ (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu).

Các nhà đầu tư cho hay dự án có thể đón tàu container trọng tải lớn, thúc đẩy các hoạt động vận tải đường thủy nội địa, chở hàng hóa, nông sản từ Đồng bằng sông Cửu Long tới Cái Mép Hạ và ra thế giới. Đây là cơ hội vững chắc để các doanh nghiệp nắm bắt xu hướng trong những năm tới trước bối cảnh các tập đoàn trên thế giới tiếp tục quá trình dịch chuyển hoạt động sản xuất tới Việt Nam./.

Quang Huy