PHÁT TRIỂN LOGISTICS VẬN TẢI ĐƯỜNG THỦY NỘI ĐỊA VÀ VẬN TẢI BIỂN BẰNG PHƯƠNG TIỆN THỦY NỘI ĐỊA

PHÁT TRIỂN LOGISTICS VẬN TẢI ĐƯỜNG THỦY NỘI ĐỊA VÀ VẬN TẢI BIỂN BẰNG PHƯƠNG TIỆN THỦY NỘI ĐỊA

PHÁT TRIỂN LOGISTICS VẬN TẢI ĐƯỜNG THỦY NỘI ĐỊA VÀ VẬN TẢI BIỂN BẰNG PHƯƠNG TIỆN THỦY NỘI ĐỊA

Ngày đăng: 19/10/2021

(Baothanhhoa.vn) - Sáng 14-10, Bộ Giao thông - Vận tải (GT-VT) đã tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc về phát triển Logistics vận tải đường thuỷ nội địa (ĐTNĐ) và vận tải biển bằng phương tiện thuỷ nội địa. Đồng chí Nguyễn Văn Thể, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ GT-VT chủ trì hội nghị.

 

 Các đại biểu tham gia hội nghị trực tuyến tại điểm cầu Thanh Hoá.

Tại điểm cầu tỉnh Thanh Hoá, đồng chí Mai Xuân Liêm, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh dự và chủ trì hội nghị. Cùng tham dự có đại diện lãnh đạo các sở, ngành liên quan của tỉnh, Văn phòng UBND tỉnh và Công ty CP Quản lý đường thuỷ nội địa và xây dựng giao thông Thanh Hoá.

Theo báo cáo của Bộ GT-VT, tổng chiều dài ĐTNĐ trên địa bàn cả nước là 17.253 km, chiếm 41,2% tổng chiều dài sông, kênh. Trong đó, khu vực miền Bắc đã hình thành 4 tuyến đường thuỷ nôi địa chính. Khu vực miền Trung hình thành được 10 tuyến vận tải chính trên các sông. Khu vực miền Nam có 6 tuyến vận tải đường thuỷ đang được khai thác vận tải, vận hành.

Tuyến vận tải ven biển được Bộ GT-VT công bố năm 2014 có 298 cảng tạo điều kiện cho phương tiện thuỷ nội địa hoạt động từ Quảng Ninh đến Kiên Giang. Trong đó, có 192 cảng hàng hoá, 9 cảng hành khách, 97 cảng chuyên dùng, 6.899 bến thuỷ nội địa. Hằng năm, vận tải hành khách đường thuỷ nội địa đạt 227 triệu lượt khách, vận tải hàng hoá ĐTNĐ đạt 337 triệu tấn.

Việc vận chuyển Container bằng đường thuỷ nội địa chi phí thấp (bằng 30% chi phí vận tải đường bộ) nên phát triển khá mạnh ở khu vực phía Nam. Tại khu vực phía Bắc do điều kiện địa lý không thuận lợi nên chưa phát triển. Trong hoạt động vận tải ĐTNĐ và vận tải biển bằng phương tiện thuỷ nội địa vẫn bộc lộ nhiều tồn tại, bất cập khiến các đơn vị, địa phương chưa tận dụng hết lợi thế của các phương thức vận tải để phát triển Logistics.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Mai Xuân Liêm phát biểu tại hội nghị trực tuyến.

Phát biểu tại hội nghị trực tuyến, đồng chí Mai Xuân Liêm, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đồng tình, đánh giá cao báo cáo của Bộ GT-VT về phát triển vận tải ĐTNĐ và vận tải biển bằng phương tiện đường thuỷ nội địa. Đồng thời, khẳng định tỉnh Thanh Hoá là địa phương có tiềm năng phát triển vận tải ĐTNĐ và vận tải biển bằng phương tiện thuỷ nội địa. Do đó, thời gian qua tỉnh Thanh Hoá đã ban hành Quyết định số 2119/QĐ–UBND, ngày 9-6-2020 về việc phê duyệt Đề án phát triển dịch vụ Logistics trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó, tỉnh ưu tiên triển khai xây dựng cảng biển nội địa để phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương trong hoạt động vận tải ĐTNĐ. Đồng thời, xây dựng nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích thu hút đầu tư, phát triển hạ tầng kỹ thuật nói chung và thúc đẩy sự kết nối, phát triển Logistics nói riêng nhằm phát huy hiệu quả, hiệu suất hoạt động của hệ thống cảng biển Nghi Sơn.

Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh mong muốn, Bộ GT-VT tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi, quan tâm, ưu tiên cho các dự án đầu tư xây dựng, phát triển, nâng cấp một số tuyến vận tải ĐTNĐ; các dự án đầu tư cảng ĐTNĐ trên các hành lang vận tải và các tuyến vận tải chính trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá. Đồng thời, xây dựng thêm cơ chế, chính sách góp phần tháo gỡ nút thắt về luồng, tiêu chuẩn phương tiện… phù hợp với từng vùng, miền để tạo điều kiện cho doanh nghiệp (DN) đầu tư khai thác phát triển vận tải ĐTNĐ và hoạt động Logistics.

Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng đề nghị trong thời gian tới, Bộ GT-VT quan tâm tham mưu, đề xuất với Chính phủ chú trọng kết nối hệ thống vận tải ĐTNĐ với các loại hình giao thông khác, như đường bộ, đường sắt để phát huy hết vai trò, tiềm năng của hệ thống…

Tại hội nghị đại biểu thuộc các tỉnh, thành phố và Công ty vận tải đã đề xuất một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình phát triển vận tải ĐTNĐ và vận tải biển bằng phương tiện thuỷ nội địa, như: Các tuyến vận tải thuỷ không đồng cấp, nhiều điểm nghẽn; kết nối vận tải ĐTNĐ và các phương thức vận tải khác chưa thuận lợi; việc thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ công cộng tại một số cảng biển chưa đúng đối tượng gây gánh nặng cho DN vận tải thuỷ; nhiều cảng biến có quy mô hạn chế, trang thiết bị bốc xếp thô sơ; phương tiện thuỷ nội địa chủ yếu loại nhỏ, hoạt động trên tuyến ngắn, năng suất thấp. Đồng thời, các DN vận tải thuỷ hầu hết là tư nhân, phát triển tự phát, manh mún và chưa có chính sách hỗ trợ để thúc đẩy vận tải hàng container bằng ĐTNĐ…

Kết luận hội nghị trực tuyến, Bộ trưởng Bộ GT-VT Nguyễn Văn Thể khẳng định vai trò, hiệu quả của phát triển Logistics vận tải ĐTNĐ và vận tải biển bằng phương tiện thuỷ nội địa đối với sự phát triển kinh tế - xã hội.

Đồng chí nhấn mạnh, để phát triển vận tải ĐTNĐ cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan quản lý nhà nước về ngành với các hiệp hội, DN vận tải - cảng - Logistics và các cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương. Trong thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục kiến nghị Chính phủ xem xét, miễn giảm phí cơ sở hạ tầng đối với hàng hoá được vận chuyển bằng phương tiện thuỷ nội địa tại một số địa phương. Đồng thời, giải quyết các điểm nghẽn, điểm tiềm ẩn về tai nạn giao thông trên hành lang vận tải thuỷ nhằm tạo thuận lợi cho DN đầu tư cảng, bến và phương tiện vận tải hiện đại; khuyến khích, hỗ trợ đầu tư phát triển hệ thống cảng theo cụm, kết nối thuận lợi, tối đa với đường bộ, cảng cạn… góp phần hình thành các cảng đầu mối quy mô lớn, công nghệ bốc xếp hiện đại, tiến tới hình thành các trung tâm Logistics ĐTNĐ và tham gia vận tải đa phương thức.

Bộ GTVT cũng tiếp tục phối hợp, kiến nghị Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và UBND các tỉnh, thành phố tiếp tục ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích vận tải ĐTNĐ phát triển; ưu tiên xây dụng cơ sở đóng mới, cải hoán, sửa chữa phương tiện thuỷ nội địa, công trình bốc dỡ… và bố trị đất dọc các tuyến đường thuỷ nội địa chính để hình thành các cụm cảng ở khu vực thuận lợi cho việc kết nối với các khu công nghiệp, khu chế xuất… và hình thành tuyến vận tải thuỷ container để tối ưu hoá hiệu quả công tác vận tải nhất là phục vụ cho hoạt động xuất khẩu.

Lê Hoà