Gia tăng lợi ích nhờ đổi mới quản lý xuất xứ hàng hóa

Gia tăng lợi ích nhờ đổi mới quản lý xuất xứ hàng hóa

Gia tăng lợi ích nhờ đổi mới quản lý xuất xứ hàng hóa

Ngày đăng: 18/11/2022

(TBTCO) - Dự thảo thông tư quy định về xác định xuất xứ hàng hóa xuất nhập khẩu là văn bản pháp luật được Tổng cục Hải quan lấy ý kiến các chuyên gia, doanh nghiệp và đơn vị có liên quan. Đây là văn bản được đánh giá có nhiều cải cách đột phá, được doanh nghiệp kỳ vọng khi ban hành sẽ tạo thuận lợi rất lớn cho hoạt động thương mại.

Đi vào kiểm tra thực chất

Công tác quản lý xuất xứ hàng hóa xuất nhập khẩu (XNK) đóng vai trò quan trọng trong hoạt động thương mại. Xuất xứ hàng hóa có thể sử dụng như một phương tiện, công cụ giúp thúc đẩy hoạt động thương mại hợp pháp, hợp lý, tiết kiệm nguồn lực thay vì được sử dụng như là công cụ để cản trở thương mại và vô hình trung tạo thành rào cản trong hoạt động thương mại.

Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Mai Xuân Thành, tinh thần chung khi xây dựng dự thảo thông tư này là kiểm tra thực chất hàng hóa có đảm bảo được sản xuất ra phù hợp, đủ tiêu chuẩn hưởng ưu đãi thuế quan trong hiệp định thương mại tự do mà các nước dành cho nhau hay không. Cơ quan hải quan không chú trọng kiểm tra mang tính kỹ thuật, hình thức, thay vì đi "bắt lỗi" các tổ chức cấp giấy chứng nhận xuất xứ (C/O), hay các doanh nghiệp (DN) tự chứng nhận xuất xứ thì cơ quan hải quan sẽ đi vào kiểm tra thực chất, đánh giá khả năng từ nước, lãnh thổ có sản xuất ra hàng hóa đó không; hoặc quá trình chuyển tải có làm sai lệch xuất xứ hay không. Cơ quan hải quan mong muốn DN nhìn thấy rõ nét hướng đi, cách tư duy mới tại dự thảo thông tư này.

Cơ quan hải quan kiểm tra C/O nhằm đảm bảo doanh nghiệp được đối xử bình đẳng. Ảnh: HN

Cơ quan hải quan kiểm tra C/O nhằm đảm bảo doanh nghiệp được đối xử bình đẳng. Ảnh: HN

Điểm đầu tiên cần nhắc tới chính là sửa quy định về hình thức nộp chứng từ C/O. Dự thảo thông tư kế thừa các quy định về giảm thiểu tối đa thủ tục hành chính được thực hiện hiệu quả thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Cụ thể, thay vì nộp chứng từ giấy, hình thức nộp chứng từ C/O cho cơ quan hải quan được đổi thành dạng dữ liệu điện tử hoặc bản scan từ bản gốc, bản chính thông qua hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan. Trường hợp C/O được cấp trên Cổng thông tin một cửa quốc gia, một cửa ASEAN, hoặc được cấp trên trang thông tin điện tử theo thông báo của cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu, người khai hải quan không phải nộp chứng từ.

Thời điểm nộp C/O cho cơ quan hải quan cũng được sửa đổi tạo thuận lợi cho DN theo hướng kéo dài thời hạn được nộp bổ sung C/O. Đối với hàng hóa áp dụng thuế ưu đãi đặc biệt, dự thảo thông tư cho phép thời hạn nộp bổ sung C/O là 1 năm kể từ ngày đăng ký tờ khai hải quan. Đối với hàng hóa nhập khẩu có chứng từ C/O áp dụng Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu, Việt Nam - Vương quốc Anh và Bắc Ai len, nếu chưa có chứng từ C/O tại thời điểm làm thủ tục hải quan, người khai hải quan nộp chứng từ C/O trong thời hạn 2 năm kể từ ngày đăng ký tờ khai hải quan.

Cho phép bảo lãnh thuế

Theo cơ quan soạn thảo, một nội dung rất mới được quy định tại dự thảo thông tư này là áp dụng bảo lãnh thuế đối với các trường hợp chưa nộp chứng từ C/O tại thời điểm làm thủ tục hải quan, hoặc trong trường hợp tiến hành xác minh với nước ngoài.

Ví dụ, người khai hải quan muốn được hưởng thuế suất ưu đãi đặc biệt, nhưng chưa có chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa tại thời điểm làm thủ tục hải quan, hàng hóa nhập khẩu phải áp dụng thuế suất MFN, hoặc thuế suất thông thường và được thông quan. Trường hợp được tổ chức tín dụng bảo lãnh số tiền thuế chênh lệch thì được áp dụng thuế suất ưu đãi đặc biệt và thông quan theo quy định.

"Thay đổi nhỏ, lợi ích lớn

Theo bà Bùi Kim Thùy - Đại diện cấp cao Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN tại Việt Nam, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp (DN) đánh giá rất cao các hoạt động của ban soạn thảo cũng như Hải quan Việt Nam trong quá trình tham vấn lấy ý kiến các bên liên quan để có bản dự thảo với nhiều điều khoản theo hướng tạo thuận lợi thương mại. Trong rất nhiều điểm cải cách phải kể đến việc điều chỉnh cụm từ “ngày” thành “ngày làm việc” tại dự thảo thông tư. Cụm này tuy nhỏ nhưng rất có lợi cho cộng đồng DN, giúp cho DN có thêm thời gian chuẩn bị hồ sơ chứng từ trong trường hợp phải nộp, xuất trình cho cơ quan hải quan. Bên cạnh đó, việc xác định trước xuất xứ, tại thời điểm công bố, thông báo xác định trước xuất xứ thì DN không phải nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ cho hàng hóa đó cũng là điểm nổi bật."

Một ví dụ khác, nếu hàng hóa thuộc danh mục theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Công thương thông báo đang ở thời điểm áp dụng thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp, các biện pháp tự vệ, biện pháp hạn ngạch thuế quan, biện pháp hạn chế số lượng, người khai hải quan chưa có chứng từ C/O tại thời điểm làm thủ tục hải quan, thì hàng hóa nhập khẩu sẽ áp dụng thuế chống bán phá giá, hoặc thuế chống trợ cấp, hoặc thuế tự vệ hoặc thuế suất ngoài hạn ngạch thuế quan đối với toàn bộ lô hàng. Trường hợp được tổ chức tín dụng, bảo lãnh số tiền thuế phải nộp thì chấp nhận mức thuế suất áp dụng theo khai báo của người khai hải quan và hàng hoá được thông quan.

Bà Bùi Kim Thùy - Đại diện cấp cao Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN tại Việt Nam, cho rằng việc Tổng cục Hải quan đề xuất cho phép bảo lãnh thuế như trên là thay đổi lớn. Điều này tạo thuận lợi rất lớn cho DN, vì nếu nước xuất khẩu trả lời chậm, muộn và DN không được bảo lãnh thuế thì nguồn tiền của DN bị tồn đọng không quay vòng được trong bối cảnh hậu Covid-19 vẫn còn khó khăn.