Cảng Cửa Lò (Nghệ An) là cảng loại I và là cảng biển đặc biệt quan trọng, từ năm 2013 được Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 70/2013 xác định cảng quốc tế Cửa Lò phục vụ cho việc phát triển kinh tế - xã hội không chỉ của Nghệ An mà còn của khu vực, liên vùng trong cả nước.
Nguy cơ đứt gãy vẫn hiện hữu
Cũng từ Nghị quyết số 26 của Bộ Chính trị (ngày 30/7/2013) về phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2020 thì cảng Cửa Lò được quy hoạch thành cảng đầu mối quốc gia loại I, có khả năng đón tàu biển có tải trọng trên 10.000 DWT đầy tải ra - vào.
Số tàu hàng container cập cảng Cửa Lò (Nghệ An) ít dần trong vài năm trở lại đây
Tuy nhiên, đến nay vấn đề thu hút tàu biển quốc tế vào cảng Cửa Lò vẫn đang “mắc cạn”, thậm chí thưa dần hãng tàu container trong vài năm trở lại đây.
Được biết, từ đầu tháng 5/2022, tuyến vận tải container quốc tế qua cảng Cửa Lò đã được mở lại sau một số năm gián đoạn. Với việc có tuyến vận tải này, hàng hóa ở khu vực miền Trung được kết nối trực tiếp đi Port Klang (Malaysia) và Kolkata (Ấn Độ) với thời gian ngắn nhất và chi phí tốt nhất. Từ Kolkata, hàng hóa sẽ được vận chuyển tới các bang của Ấn Độ và tới cảng Chittagong (Bangladesh).
Thế nhưng từ tháng 4/2023, tuyến vận tải container quốc tế qua cảng Cửa Lò lại bị ngừng. Qua tìm hiểu của phóng viên, nhiều lý do để giải thích cho việc tuyến vận tải container quốc tế qua cảng Cửa Lò bị ngừng. Đó là, ngoài nguyên nhân xăng dầu tăng cao, khiến đội giá thành vận tải biển lên nhiều so với trước đây, thì một trong những nguyên nhân quan trọng là chưa có chính sách đồng bộ, ưu đãi trực tiếp, cho các chủ hàng, chủ tàu... như các tỉnh khác.
Ông Phạm Văn Tám - Giám đốc Công ty Đá trắng Tân Long (TP. Vinh, Nghệ An) cho hay: "Lâu nay doanh nghiệp vẫn mở tờ khai ở Nghệ An, nhưng hàng hoá vẫn mở thêm thông qua cảng Nghi Sơn, vì ở đây thuận lợi hơn, có chơ chế mở hơn cho doanh nghiệp...".
Cũng theo nhiều doanh nghiệp xuất khẩu đá trắng ở huyện Quỳ Hợp, chở đá đi theo đường 36 ra thị xã Hoàng Mai rồi ra cảng Nghi Sơn (Thanh Hóa) thuận lợi hơn, một container 20 feet qua cảng Nghi Sơn và mở tờ khai tại Thanh Hoá chúng tôi được hỗ trợ 2 triệu đồng, 1 container 40 feet được hỗ trợ 3 triệu đồng. Trong khi ở Nghệ An vận tải xuống Cửa Lò vừa xa, vừa không có hỗ trợ...
Thông tin từ Công ty CP Cảng Nghệ Tĩnh, trong 3 năm gần đây, hàng container qua cảng còn ít, thiếu ổn định, chiếm tỷ lệ từ 30 - 40% tổng hàng hóa qua cảng và có chiều hướng giảm (từ 1,63 triệu tấn năm 2020 xuống còn 1,30 triệu tấn năm 2022) và mất cân đối giữa hàng đi và hàng đến. Thực trạng này đang dẫn đến khả năng khai thác hàng hóa 2 chiều của các hãng tàu để giảm chi phí, duy trì hoạt động thường xuyên gặp nhiều khó khăn.
Hiện tại, chỉ với 3 hãng tàu “truyền thống” đang khai thác hàng container với tải trọng dưới 1.000 TEU gồm: Vietsun, GLS, VIMC Line, hoạt động trung chuyển từ cảng Cửa Lò đến cảng TP. Hồ Chí Minh và ngược lại; vận chuyển nội địa. Hàng tàu VIMC Line đang khai thác container đi trực tiếp quốc tế từ Cửa Lò - Kolkatar (Ấn Độ) - Chitagong (Bangladesh) với tần suất hạn chế với số lượng chỉ 1 chuyến/tháng và dừng lại ở con số 7 chuyến/năm cũng đang thưa dần.
Chờ đợi chính sách…
Mới đây, tỉnh Nghệ An đang lấy ý kiến rộng rãi, xem xét hỗ trợ kinh phí các hãng tàu biển, doanh nghiệp vận chuyển bằng container qua cảng Cửa Lò.
Cụ thể, dự thảo Nghị quyết Quy định chính sách hỗ trợ các hãng tàu biển mở tuyến vận chuyển bằng container và hỗ trợ doanh nghiệp có hàng hóa vận chuyển bằng container qua cảng Cửa Lò (tỉnh Nghệ An) đang được lấy ý kiến rộng rãi từ ngày 7/3 - 7/4/2023, trình HĐND tỉnh khóa XVIII, dự kiến vào kỳ họp tháng 7/2023 xem xét ban hành Nghị quyết về chính sách hỗ trợ trong giai đoạn 2023 - 2026.
Từ tháng 4/2023, tuyến vận tải container quốc tế qua cảng Cửa Lò đã bị ngừng sau 11 chuyến vào biển Nghệ An
Theo đó, Nghệ An sẽ đưa ra các mức dự kiến hỗ trợ đưa ra như sau: 200 triệu đồng/chuyến cập cảng đối với hãng tàu biển được cấp phép hoạt động kinh doanh vận chuyển container theo quy định và thực hiện trả hàng hoặc bốc hàng tại cảng Cửa Lò theo tuyến với tần suất tối thiểu 02 chuyến cập cảng mỗi tháng; Doanh nghiệp có hàng hóa vận chuyển bằng container qua cảng Cửa Lò có tần suất tối thiểu 2 lần mỗi tháng sẽ được hỗ trợ 600.000 đồng/container đối với container loại 20 feet và 1.000.000 đồng/container với loại container 40 feet.
Trong khi đó, nhìn qua tỉnh bạn, tại Thanh Hoá từ tháng 7/2022, đã ban hành chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vận chuyển hàng hoá bằng container qua cảng Nghi Sơn mức hỗ trợ: loại container 20 feed là 2 triệu đồng/cont; đối với container 40 feed là 3 triệu đồng/cont. Đối với loại contaner không mở tờ khai được hỗ trợ 700.000 - 1.000.000 đồng/cont.
Được biết, Thanh Hoá đã ban hành chính sách hỗ trợ các phương tiện vận tải biển quốc tế và nội địa, hỗ trợ doanh nghiệp vận chuyển hàng hoá bằng container qua cảng Nghi Sơn. Theo đó, các hãng tàu mở tuyến vận chuyển container đi quốc tế qua cảng Nghi Sơn được cấp phép và phải dỡ hàng tại cảng Nghi Sơn được hỗ trợ 500 triệu đồng/ chuyến. Đối với các phương tiện vận tải biển nội địa vận chuyển container qua cảng được hỗ trợ 300 triệu đồng/chuyến.
Còn ở Hà Tĩnh cũng có chính sách hỗ trợ hãng tàu biển vận chuyển container đi quốc tế qua cảng Vũng Áng mức hỗ trợ 200 triệu đồng/chuyến. Đối với các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có hàng hoá vận chuyển bằng container qua cảng Vũng Áng 1 container 20 feet được hỗ trợ 700.000 đồng/cont; 1 container 40 feet được hỗ trợ 1.000.000 đồng/cont.
Trong khi tại Nghệ An vẫn đang là dự thảo… tỉnh này sẽ nghiên cứu để có hai chính sách hỗ trợ gồm: Chính sách hỗ trợ hãng tàu biển mở tuyến vận chuyển container qua cảng Cửa Lò, và chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp có hàng hóa vận chuyển bằng container qua cảng Cửa Lò. Hy vọng thời gian tới, Nghệ An có chính sách hỗ trợ như các tỉnh sẽ thu hút được các hãng tàu quốc tế về với Nghệ An, các chủ hàng về với Nghệ An, tháo gỡ thêm khó khăn vướng mắc cho các nhà đầu tư.
Về vấn đề này, ông Bùi Kiều Hưng - Tổng giám đốc Công ty CP Cảng Nghệ Tĩnh cho biết: Nhiều năm qua, cảng đã nỗ lực phối hợp với Tổng công ty Hàng hải Việt Nam, hãng tàu biển quốc tế để mở lại tuyến nói trên. Khi việc hỗ trợ các tàu biển quốc tế và các chủ tàu nội địa, vận chuyển hàng container trên địa bàn sẽ có lợi cho tất cả các biển của Nghệ An như Vissai, cảng Vietsun, cảng Nghệ Tĩnh, cảng Đông Hồi… Bởi vậy, cảng Nghệ Tĩnh vẫn đang nỗ lực phục vụ các hãng tàu, các chủ hàng, lấy uy tín, thương hiệu lâu năm để bù đắp những thiệt thòi của các doanh nghiệp đang có hàng vận chuyển ở cảng.
Ông Nguyễn Quốc Khánh - Giám đốc Công ty TNHH MTV Cảng Cửa Lò (cảng Vietsun) cũng cho biết: “Là một doanh nghiệp khai thác cảng và đồng thời có hãng tàu vận tải container, chúng tôi nhận thấy môi trường đầu tư ở Nghệ An vẫn còn những điểm chưa thuận lợi, ví như vấn đề tàu cá ngư dân thường xuyên lấn chiếm cảng, lấn chiếm tàu hàng gây bất tiện cho các tàu hàng về và công tác an ninh trật tự, rồi hệ thống giao thông, vận chuyển, kiểm tra, kiểm soát vẫn còn quá nhiều…”.
Hoàng Trinh