NGÀNH VẬN TẢI ĐUỐI SỨC VÌ COVID-19

NGÀNH VẬN TẢI ĐUỐI SỨC VÌ COVID-19

NGÀNH VẬN TẢI ĐUỐI SỨC VÌ COVID-19

Ngày đăng: 30/03/2020

Chỉ trong khoảng 2 tháng, dịch Covid-19 đã gây thiệt hại nặng nề cho nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội, trong đó có ngành vận tải. Theo dự báo của các chuyên gia, tình trạng khó khăn sẽ còn kéo dài, cơ quan quản lý Nhà nước cần có thêm các giải pháp linh hoạt nhằm tiếp sức cho ngành vận tải cầm cự qua giai đoạn này.

 Chưa chạm đáy

Để ngăn ngừa lây nhiễm dịch bệnh Covid-19, nhiều biện pháp hạn chế đi lại đã được Chính phủ và các địa phương áp dụng như: Dừng khai thác hàng loạt đường bay, đường tàu liên tỉnh, đóng cửa các khu du lịch, nghỉ dưỡng… Tại một số TP lớn gồm Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng… mạng lưới xe buýt đã ngừng hoạt động; xe khách liên tỉnh bị hạn chế, thậm chí là dừng vận hành. Nhu cầu đi lại của người dân cũng giảm mạnh. Điều này khiến ngành vận tải rơi vào tình thế vô cùng khó khăn. Trong đó, hàng không và đường sắt là hai lĩnh vực vận tải chịu ảnh hưởng nặng nề nhất với thiệt hại lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng. Tương tự, các hãng taxi cũng lâm cảnh ế ẩm triền miên, doanh thu sụt giảm luỹ kế qua từng tuần, một số hãng taxi đã giảm đến trên 60% doanh số.

Theo thống kê, các bến xe lớn tại Hà Nội như: Mỹ Đình, Giáp Bát, Nước Ngầm đều chỉ còn hoạt động cầm chừng với 10 - 20% công suất. Các DN khai thác vận tải công cộng bằng xe buýt buộc phải “ngủ đông”. Đại diện Tổng Công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) cho biết, chấp hành chỉ đạo của Chính phủ và UBND TP Hà Nội, hơn 1.000 xe buýt của đơn vị đã dừng hoàn toàn hoạt động vận chuyển từ nay tới 15/4. Trong trường hợp có thể vận hành lại ngay trong tháng 4, ước tính thiệt hại về doanh thu của Transerco cũng có thể lên đến hàng trăm tỷ đồng.

Tiến sĩ giao thông đô thị Đặng Minh Tân nhận định: “Trong hai tuần tới, nếu dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp hơn, mọi hoạt động đi lại của người dân có thể phải tạm dừng, vận tải hành khách sẽ “đóng băng” hoàn toàn”. Ông Tân cho rằng, với doanh số của các DN bằng 0, hàng trăm nghìn lao động trong lĩnh vực vận tải hành khách, đặc biệt tại các TP lớn sẽ không có thu nhập.

Lo ngại từ thị trường thả nổi

Có một thực tế là bên cạnh những DN kinh doanh vận tải có đăng ký, được quản lý chặt chẽ, còn một khối vận tải tư nhân hiện vẫn đang bị thả nổi. Đó là đội ngũ xe ôm, xe ô tô đưa đón khách không đăng ký kinh doanh. Trong bối cảnh các loại hình vận chuyển khác tê liệt, xe ôm, kinh doanh “dù” vẫn bám trụ hoạt động vì miếng cơm manh áo.

Ông Phạm Văn Dần (Hà Đông), làm nghề xe ôm chia sẻ: “Hàng ngày, tôi vẫn phải ra đường kiếm khách. Bữa được bữa không nhưng không chạy thì cả nhà biết sống bằng gì?”. Ông Dần cũng cho biết, hiểu rõ nguy cơ của dịch bệnh, tự mình trang bị khẩu trang, nước rửa tay khi đi làm nhưng không dám tự tin sẽ hoàn toàn tránh được dịch bệnh.

Thực tế, tuy không bị giới hạn hoạt động như các DN vận tải chính quy nhưng đội ngũ vận tải khách thả nổi này cũng chịu ảnh hưởng nặng nề không kém. Một hình ảnh phổ biến trong những ngày qua là hàng dài xe ôm, taxi nằm im lìm, hiu hắt trước cổng các bệnh viện, bến xe, trường học… Anh Phạm Quốc Anh (Thanh Xuân) - tài xế taxi cho biết, lượng khách giảm nghiêm trọng, thu nhập của anh từ khoảng 12 triệu đồng/tháng, thời gian qua chỉ còn khoảng 4 triệu đồng/tháng. “Mà chở khách bây giờ cũng sợ. Không biết ai lành, ai bệnh, nhỡ mà lây nhiễm thì cả nhà chịu khổ. Nhưng không đi làm thì chúng tôi biết lấy gì sống?” - anh Quốc Anh chia sẻ.

Nhìn từ góc độ khác, đội ngũ xe ôm, xe kinh doanh “dù” cũng là một trong những nguồn không nhỏ, tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh Covid-19. Hiện tại các TP lớn vẫn chỉ khuyến cáo, vận động chứ chưa cấm người dân đi lại nên nguy cơ từ nguồn này vẫn chưa có biện pháp hữu hiệu nào phòng ngừa. Nhiều chuyên gia cho rằng, trong trường hợp bắt buộc lực lượng xe ôm phải đình chỉ hoạt động, Chính quyền các địa phương sẽ phải đối diện với gánh nặng vấn đề sinh kế của hàng vạn gia đình nữa.

Đồng lòng vượt khó

Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN và hỗ trợ người lao động trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội. Các biện pháp như miễn, giảm thuế, lãi suất ngân hàng; tạm ngừng đóng bảo hiểm xã hội; cho phép DN vận tải tự điều chỉnh tần suất hoạt động… đã được áp dụng, hỗ trợ rất nhiều cho ngành vận tải. Tuy nhiên, cần nhìn thẳng vào thực tế là chừng nào dịch bệnh chưa bị đẩy lùi, mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội, mọi thành phần, tầng lớp Nhân dân sẽ còn gặp khó khăn. Tiến sĩ Đặng Minh Tân chia sẻ: “Hiện lĩnh vực vận tải hàng hóa vẫn đang cầm cự được. Việc mua bán trực tuyến cũng tạo điều kiện cho đội ngũ giao nhận hàng có thu nhập nhất định. Các địa phương, đặc biệt là các TP lớn cần có chính sách tạm thời ưu tiên, thúc đẩy kinh doanh ăn uống, hàng hóa nhu yếu phẩm qua mạng internet để gỡ khó cho DN. Đồng thời tạo thêm việc làm cho người lao động trong lĩnh vực vận tải, vận chuyển”.

Bên cạnh sự hỗ trợ từ Chính phủ, DN vận tải, người lao động cũng cần chủ động các biện pháp “tự cứu mình”. Quan trọng nhất là phải tự trang bị kiến thức, vật dụng để phòng chống lây nhiễm dịch bệnh Covid-19. Người dân khi có nhu cầu lại phải hết sức thận trọng, chú ý vệ sinh, khử khuẩn, giữ gìn cho chính mình và cho cả những người vận chuyển.

Nhiều chuyên gia cho rằng, mọi giải pháp gỡ khó trong lúc này đều chỉ mang tính tình thế. Muốn các ngành nghề kinh doanh, trong đó có vận tải, ổn định trở lại, quan trọng nhất là phải đẩy lùi dịch bệnh. Muốn sớm kết thúc giai đoạn khó khăn trước mắt, mọi tầng lớp Nhân dân, người lao động trong các ngành nghề phải có ý thức tự giác, chung tay, góp sức với Chính phủ, chiến thắng dịch bệnh.